Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì xây dựng một kế hoạch thanh tra tổng thể, toàn diện các doanh nghiệp kinh doanh taxi nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp này trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ thanh tra từ 15 đến 20 doanh nghiệp tại Hà Nội và 10 đến15 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh để rà soát và đưa hoạt động vào khuôn khổ.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, tại các khu vực cổng ga Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương, trước cửa vào của các bến xe, khách sạn..., hễ tuần tra, kiểm soát là ngay lập tức phát hiện và bắt giữ được taxi vi phạm.
Ở các khu vực này, rất nhiều taxi dừng đỗ tùy tiện, cho xe nổ máy, nhấp nháy đèn xi nhan, mở cửa xe... . Chỉ thoáng thấy cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông là lái xe rồ ga bỏ chạy.
Theo số liệu thống kê của lực lượng chức năng, bình quân cứ 15 xe taxi đang hoạt động có 1 "taxi dù." Sau mỗi đợt ra quân, tăng cường xử lý taxi vi phạm, hàng nghìn trường hợp đã được xử lý với số tiền phạt lên tới vài tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể đưa taxi vào hoạt động quy củ.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, có những đợt cao điểm, chỉ trong một tháng, Thanh tra Sở đã xử lý tới hơn 2.000 trường hợp taxi vi phạm, tạm giữ hàng trăm xe taxi.
Cụ thể, các lỗi phổ biến vẫn là không có giấy phép kinh doanh, không gắn hộp đèn taxi, đồng hồ tính tiền không kẹp chì, không gắn lô gô của hãng taxi, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định…
Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Thạch Như Sỹ cho rằng, chỉ có vào thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp mới có thể xử lý tận gốc vấn đề bởi việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của lái xe khi điều khiển phương tiện vi phạm trên đường chỉ giải quyết được phần “ngọn”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hàng năm, Sở vẫn tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên về điều kiện kinh doanh cũng như công tác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Rất nhiều vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
“Hà Nội hiện có 114 doanh nghiệp với hơn 16.000 taxi. Đợt kiểm tra như thế này là một cách để rà soát lại hoạt động,” ông Linh chia sẻ.
Đặc biệt, ông Linh cho rằng, khó xử lý nhất trong hoạt động taxi hiện nay chính là chuyện cho thuê xe của doanh nghiệp.
“Thuê xe là bán thương hiệu. Khi đã bán thương hiệu rồi thì chỉ thu tiền hàng tháng và không hề quản lý. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trộm cắp của khách, trộm cước taxi, dừng đỗ bừa bãi. Trong khi đó, các quy định tại Luật doanh nghiệp, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư, quyết định của Bộ đều không cấm việc này,” ông Linh bày tỏ bức xúc.
Góp ý cho kế hoạch thanh tra của Bộ, ông Linh đề nghị đơn vị nào có nhiều vi phạm, dù đã kiểm tra rồi, vẫn kiểm tra lại. Cùng với đó, cần thanh, kiểm tra cả việc chấp hành nghĩa vụ tài chính.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung thanh tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; giấy phép kinh doanh và việc chấp hành giấy phép kinh doanh; điều kiện kinh doanh; tổ chức và hoạt động; tổ chức và quản lý điểm đỗ taxi và các nội dung khác liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi./.
Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội dừng việc cấp phép lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng taxi nhằm giảm ùn tắc và tăng khả năng khai thác các tuyến xe buýt nội đô.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp cấm taxi và hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến có lưu lượng giao thông lớn hay ùn tắc vào các giờ cao điểm, chỉ đạo việc bố trí thêm nhiều cặp đường một chiều trên địa bàn thành phố.