11/19/2011 7:11:27 AM

Do thiếu chủ động trong đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu, nhiều doanh nghiệp buộc phải lao vào những cuộc kiện tụng phức tạp và tốn kém để lấy lại thương hiệu.

Sản phẩm mỳ chay “Lá bồ đề” của Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Hồng Kông, Pháp, Đức và một số nước Đông Âu... Mới đây, Công ty phát hiện thương hiệu này bị một doanh nghiệp người Hoa ở Mỹ đăng ký bản quyền và tung ra sản phẩm mỳ gói mang thương hiệu, hình ảnh tương tự.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Tây cho biết, do không thể phân biệt được thật - giả, khách hàng nước ngoài có thể mất niềm tin vào sản phẩm mỳ “Lá bồ đề” thật. Điều đó sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh của mặt hàng này ở thị trường nước ngoài và làm ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu của Công ty. Vì vậy, dù biết chi phí khởi kiện ở Mỹ rất tốn kém, nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây vẫn kiên quyết khởi kiện.

Trước đó, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa cũng đã bị đánh cắp thương hiệu. Ông Phạm Ngọc Ảnh, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế của Công ty cho biết, năm 2007, Kềm Nghĩa tìm kiếm nhà phân phối đầu tiên tại Trung Quốc và giao cho họ toàn quyền về hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm. Đến năm 2008, khi việc hợp tác giữa hai bên không được như ý muốn, Kềm Nghĩa đã "chia tay" nhà phân phối này và tìm nhà phân phối khác. Tuy nhiên, sau một thời gian ngưng hợp tác, Kềm Nghĩa đã phát hiện ra đối tác cũ vẫn tiếp tục sử dụng thương hiệu của mình.

"Ngay sau khi phát hiện bị ăn cắp thương hiệu, chúng tôi buộc phải thay đổi bao bì nhận diện sản phẩm, đồng thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Trung Quốc tên thương hiệu mới là "Nghĩa Cắt", nhằm khoanh vùng đối tượng làm nhái sản phẩm", ông Ảnh nói. 

Theo ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (CASUMINA), sản phẩm săm xe Sao Vàng của CASUMINA không những bị ăn cắp thương hiệu, mà còn bị làm giả, làm nhái ngay tại thị trường Trung Quốc. Công ty phải tìm nhiều biện pháp, tốn rất nhiều tiền của để đối phó.

"Chúng tôi tiến hành ngăn chặn hàng ở biên giới, làm việc với cơ quan quản lý thị trường, nhưng biện pháp hiệu quả nhất là nếu phát hiện khu vực nào bán hàng giả, Công ty cho nhân viên đi dán thông báo công bố chất lượng sản phẩm hàng thật để người tiêu dùng phân biệt với hàng giả", ông Trí nói.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài, Th.S Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư VNC (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, muốn bảo vệ quyền lợi của mình, trước mắt, các doanh nghiệp cần xác định những khu vực tiêu thụ nhiều hàng hóa của mình và chủ động đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu ở khu vực đó. Đối với những khu vực mậu dịch tự do (FTA), hoặc khu vực đã cam kết thị trường chung như EU, ASEAN…, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký bảo hộ ở một quốc gia thuộc khu vực đó.    

"doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách chủ động đăng ký thương hiệu, không nên chờ đến khi thương hiệu nổi tiếng rồi mới tiến hành", ông Sơn nói và cho biết, về nguyên tắc, Luật Sở hữu trí tuệ ưu tiên cho người nộp đơn đăng ký trước, do đó, khi bị mất cắp thương hiệu, doanh nghiệp phải thương lượng với đối tượng ăn cắp. Nếu thương lượng không thành thì phải khởi kiện rất phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.  

Theo ông Phạm Ngọc Ảnh, thủ tục đăng ký thương hiệu ở Trung Quốc và các quốc gia khác cũng rất đơn giản, với chi phí không đáng kể. Vì vậy, để hạn chế rủi ro liên quan đến thương hiệu, Kềm Nghĩa đã thuê Công ty Luật sư Phạm và Liên danh đăng ký thương hiệu ở 20 quốc gia trên thế giới.

baodautu.vn  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.