Cam kết với các nước ASEAN về việc thực hiện Danh mục Biểu thuế quan hài hoà ASEAN năm 2012 (gọi tắt là AHTN 2012), thực hiện cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu ưu đãi theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ 1/1/2012, ngày 14/11/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế (Biểu thuế năm 2012).
Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 theo đúng cam kết quốc tế. Biểu thuế năm 2012 có nhiều điểm thay đổi so với Biểu thuế năm 2011 cả về danh mục hàng hóa (tên hàng hóa, mã số hàng hóa) và mức thuế suất. Điểm thay đổi lớn nhất của danh mục Biểu thuế năm 2012 là mã số hàng hóa theo 8 chữ số (trước đây là 10 chữ số) dẫn đến số lượng dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đã tăng 1.258 dòng so với danh mục hài hòa và mô tả mã hóa hàng hóa của các nước ASEAN năm 2007 và tăng 336 dòng thuế so với danh mục biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành của Việt Nam, làm thay đổi thuế suất của hơn 1.000 dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và thay đổi thuế suất của hơn 40 dòng thuế của Biểu thuế xuất khẩu.
Ngoài ra, kết cấu của Biểu thuế năm 2012 cũng khác so với Biểu thuế năm 2011 là có thêm chương 98 ngoài 97 chương theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (đã được ban hành tại Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011), để qui định mức thuế suất riêng cho một số mặt hàng, nhóm mặt hàng đặc thù. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hải quan và doanh nghiệp cập nhật chính sách thuế mới một cách kịp thời và chính xác, có thể khái quát một số nội dung chính của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 như sau:
1. Về Biểu thuế xuất khẩu:
Danh mục Biểu thuế xuất khẩu gồm 87 nhóm mặt hàng, chủ yếu là những mặt hàng tài nguyên khoáng sản, như: quặng, đá, cát; mặt hàng kim loại, phế liệu kim loại, như vàng, sắt, đồng và một số mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu khác.
Đa số các mặt hàng đều được giữ nguyên mức thuế suất thuế xuất khẩu hiện hành qui định tại Thông tư số 184/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 và được cập nhật các mặt hàng mới bổ sung hoặc sửa đổi thuế suất trong năm 2011.
Đồng thời, để thực hiện cam kết WTO năm 2012 về giảm thuế xuất khẩu và xử lý kiến nghị của doanh nghiệp trong thời gian qua, các mức thuế suất thuế xuất khẩu được điều chỉnh cụ thể như sau: - Thực hiện cắt giảm thuế suất thuế xuất khẩu của 24 nhóm mặt hàng “phế liệu và mảnh vụn của kim loại” theo cam kết WTO năm 2012.
Theo đó, mức thuế suất thuế xuất khẩu của các mặt hàng phế liệu và mảnh vụn kim loại đã được điều chỉnh giảm từ mức 29% và 22% xuống theo đúng mức cam kết WTO năm 2012 tương ứng là 22% và 17%. - Giảm thuế xuất khẩu của mặt hàng “đá vôi trắng đã qua chế biến” từ 17% xuống 14% để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
2. Về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi:
Nội dung Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 có nhiều điểm thay đổi cả về danh mục và mức thuế suất với nội dung cơ bản như sau:
a) Về danh mục biểu thuế: Kể từ ngày 1/1/2012, danh mục hàng hóa chịu thuế nhập khẩu ưu đãi được quy định theo mã số gồm 8 số, không quy định mã số gồm 10 số như năm 2011.
b) Về thuế suất: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 đã thay đổi thuế suất của hơn 1.000 dòng thuế, trong đó:
- Thay đổi thuế suất của 945 mặt hàng để thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết WTO năm 2012 (những dòng có mức thuế suất năm 2011 cao hơn mức cam kết WTO năm 2012 nên phải cắt giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức cam kết WTO năm 2012).
- Điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu của 157 dòng thuế là các mặt hàng cần thiết điều chỉnh tăng thuế để bảo hộ sản xuất, hạn chế nhập siêu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá không khuyến khích nhập khẩu, nằm ngoài danh mục Nhà nước quản lý để bình ổn giá hoặc thuộc danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được.
Trong số 157 dòng thuế thì có 108 dòng thuế có mức tăng so với hiện hành là 1-2% (mức thuế suất hiện hành thấp hơn mức cam kết trần 2012 từ 1% - 2%).
- Điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu của 87 dòng thuế là các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được hoặc để khắc phục bất hợp lý, bảo đảm phù hợp với mức thuế nhập khẩu thành phẩm (mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của nguyên liệu, vật tư, linh kiện phải thấp hơn hoặc bằng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của thành phẩm) hoặc mối tương quan với các mặt hàng khác tương tự cùng nhóm. Trong số 87 dòng thuế giảm, có 07 dòng thuế có mức giảm từ 1-2%, 80 dòng thuế có mức giảm nhiều hơn.
- Điều chỉnh tăng và giảm thuế suất do thay đổi danh mục hàng hoá của Biểu thuế theo danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (được sửa đổi theo danh mục AHTN 2012): Khi chuyển đổi danh mục biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục AHTN 2012, có nhiều dòng thuế phải gộp lại (ví dụ 2 dòng gộp thành 1 dòng hoặc 3 – 5 dòng thuế gộp thành 1 dòng) dẫn đến phải thay đổi mức thuế suất và tổng số có hơn 800 dòng thuế thuộc 91 nhóm hàng phải thay đổi thuế suất so với thuế suất hiện hành.
- Điều chỉnh thuế suất do cơ cấu lại số lượng mức thuế suất nhằm đơn giản trong thực hiện. Với việc thực hiện cơ cấu lại mức thuế suất, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 chỉ còn 33 mức (giảm 15 mức so với năm 2011).
c) Về cơ cấu Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi: Ngoài 97 chương theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 còn có thêm chương 98 để qui định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng cho một số mặt hàng, nhóm mặt hàng đặc thù đã được thực hiện trong thời gian qua và tránh ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất trong nước do sự thay đổi thuế suất của việc gộp dòng thuế (tăng hoặc giảm quá mức của dòng thuế theo mức thuế suất bằng với cam kết thấp nhất trong các dòng gộp để không vi phạm cam kết WTO).
Theo đó, có 22 mặt hàng, nhóm mặt hàng đã được lựa chọn để đưa vào Chương 98 với mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi riêng. Đó là các nhóm hàng là sản phẩm đầu ra của ngành nông nghiệp (như thịt gà lôi đã chặt mảnh, cá chép để làm giống, động vật giáp xác đã được hun khói), nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất xi măng, lốp xe, đường dây cao thế (như giấy kraft dùng làm bao xi măng đã tẩy trắng, vải dệt dùng làm lớp cốt cho vải tráng phủ cao su, máy biến điện sử dụng điện môi lỏng loại cao thế...), sản phẩm cần có sự quản lý chặt chẽ và hạn chế tiêu dùng (băng đĩa, súng săn).
Ngoài ra, Chương 98 cũng bao gồm 7 nhóm mặt hàng đặc thù đang được hưởng chính sách ưu đãi với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp, hoặc bằng 0%, hoặc bằng mức sàn của khung thuế suất do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định và có ghi rõ điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi này tại Chú giải đầu chương 98, như: nhóm các mặt hàng máy móc, thiết bị phòng nổ chuyên dùng cho khai thác than hầm lò (mức thuế nhập khẩu là 3%); các mặt hàng phục vụ cho việc đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe (mức thuế nhập khẩu là 0% và 10%); vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và để đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm (mức thuế nhập khẩu là 0%); các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay (mức thuế nhập khẩu là 0%); bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô (áp dụng mức thuế suất theo linh kiện nếu đảm bảo quy định về mức độ rời rạc theo quy định của Bộ Khoa học và công nghệ hoặc đảm bảo một số điều kiện như hướng dẫn tại công văn số 13113/BTC-CST ngày 03/10/2011)...
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. So với Biểu thuế năm 2011, Biểu thuế năm 2012 có rất nhiều điểm thay đổi cả về danh mục hàng hóa (tên hàng hóa, mã số hàng hóa) và mức thuế suất. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2012, khi thực hiện khai báo hải quan người khai hải quan sẽ khai báo mã số hàng hóa theo 8 số, không khai báo theo mã 10 số như năm 2011. Những thay đổi chủ yếu của Biểu thuế năm 2012 so với Biểu thuế năm 2011 đã được đề cập ở trên, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi mới của Nhà nước.