Tại hội nghị "Công nghệ thông tin - Hạ tầng của hạ tầng" ngày 17/3, ông Vũ Mạnh Lợi, Phó viện trưởng Viện xã hội học, chia sẻ, mục tiêu ’nước mạnh về CNTT’ đã được thay bằng ’nước mạnh nhờ CNTT’. Do đó nhìn nhận CNTT như một ngành là hoàn toàn sai lầm. CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng. Theo ông để thực hiện được điều này đòi hỏi cam kết chính trị ở mức cao nhất, cũng như phải đi kèm với đầu tư thỏa đáng.
"CNTT là sự nghiệp toàn dân. Tôi muốn thấy một ngày nào đó nếu người dân của một tỉnh không dùng công nghệ thì tỉnh trưởng phải bị kỷ luật".
|
Phó trưởng ban Tuyên giáo TW Vũ Ngọc Hoàng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và TS Mai Liêm Trực chủ trì hội thảo. |
Vị Phó viện trưởng Viện xã hội học cũng cho rằng, muốn vậy trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo. Ông cảnh báo: "Chiến tranh mạng không còn là nguy cơ mà đã xảy ra rồi và VN cũng từng là nạn nhân. VN không thể đem đội tuyển chân đất ra đấu với các quốc gia đã có hệ thống CNTT do những người có quyền lực cao nhất lãnh đạo".
Đồng quan điểm với ông Lợi, một số chuyên gia đã kể lại những câu chuyện khi đi công tác tại các địa phương, nơi nhiều lãnh đạo tỉnh coi CNTT đơn giản là những chiếc máy tính để soạn thảo văn bản, trao đổi e-mail. Quá trình thay đổi nhận thức của những người cấp cao nhất tại các cấp, các ngành địa phương sẽ không hề dễ dàng vì họ là những người đã vốn quen làm việc, chỉ đạo thông qua những xấp văn bản dày cộp.
"Với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ thì cấp trưởng phải vào cuộc, phải đứng ra chịu trách nhiệm và hiểu rằng CNTT đang tác động đến tất cả mọi mặt, kể cả an ninh quốc phòng. Không có CNTT thì mục tiêu đồng bộ các ngành là điều chắc chắn không thể xảy ra", tiến sĩ Nguyễn Quang Bắc, Phó chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật Bộ Quốc phòng quả quyết.
Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội VINASA, cũng bày tỏ trăn trở vì các chuyên gia nói nhiều về hiện đại hóa, về đi tắt đón đầu, về ước mơ CNTT thấm vào từng hạt lúa củ khoai nhưng không ai đề cập tới cách thức thực hiện điều đó. Đây là một thách thức lớn vì quy hoạch thông tin "là thứ gì đó không dễ hình dung, dễ kiểm tra như quy hoạch hạ tầng điện - đường - trường - trạm".
|
PGS.TS Trương Gia Bình nói về thách thức trong việc thay đổi nhận thức về vai trò của CNTT. |
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, CNTT đang chứng tỏ là một trong những giải pháp tốt nhất để thực hiện thành công ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 đến 2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. "Kinh nghiệm từ các nước phát triển thành công nhờ CNTT trên thế giới cho thấy, nếu biết quan tâm sát sao, đầu tư đúng mức, đủ tầm, thực thi quyết liệt với tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển và ứng dụng CNTT, thì một nước đang phát triển, đi sau có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, tiến tới bắt kịp các nước đã phát triển đi trước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Công nghệ thông tin - Hạ tầng của hạ tầng" là Hội thảo Triển khai nghị quyết Hội nghị Trung ương IV liên quan đến xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ lần đầu tiên được tổ chức bởi 4 cơ quan là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA).
Phó trưởng ban Tuyên giáo TW Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, hội thảo đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức thực hiện Nghị quyết, đồng thời cho thấy sự vào cuộc với quyết tâm, trách nhiệm cao của các cơ quan ban ngành, từ Trung ương Đảng, Chính phủ đến các bộ, ngành, nhất là sự đồng tâm hưởng ứng của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong cả nước.