Kể từ khi cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng, việc đi lại giữa Bến Tre và TP.HCM trở lên dễ dàng hơn. Đây là một lợi thế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ông có thể khái quát về bước phát triển của tỉnh trong những năm gần đây?
Là một trong 13 tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có diện tích 2.360 km2 với 65 km bờ biển, nằm liền kề vùng Kinh tế động lực phía Nam... Bến Tre chỉ cách TP.HCM 86 km, nếu lưu thông theo đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, thời gian đi lại giữa tỉnh và TP.HCM chỉ mất 1,5 giờ.
Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, Bến Tre đã nỗ lực phấn đấu và đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,47%; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,7 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 364 triệu USD, cao nhất trong các năm qua. Năm 2011, Bến Tre đã có thêm 288 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, với tổng vốn điều lệ trên 1.116 tỷ đồng. Trong 5 năm qua (2006 - 2010), trên địa bàn tỉnh đã có thêm 1.262 DN mới được thành lập, trong đó có 27 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 2.528 DN, với tổng vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, trong đó có 35 DN FDI với vốn đầu tư 241 triệu USD.
Trong 4 năm liền, xét về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bến Tre luôn ở trong Top 15 đứng đầu của cả nước, trong đó các chỉ số thành phần quan trọng đều được xếp thứ hạng cao. Sự phong phú, đa dạng về kinh tế biển và kinh tế vườn, đất đai, nguyên liệu nông nghiệp, thủy sản và nguồn nhân lực dồi dào là thế mạnh so sánh của Bến Tre hiện nay.
Trong giai đoạn 2011-2015, Bến Tre tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng vào năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng 20%/năm, dự kiến đạt 370 triệu USD/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 115.000 lao động trong tỉnh. Để làm được điều này, Bến Tre sẽ tận dụng mọi nguồn nội lực, đồng thời huy động mạnh các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh, FDI phục vụ đầu tư phát triển. Trong đó, tỉnh khẳng định nguồn vốn đầu tư của khối dân doanh, FDI là quan trọng, nhằm giúp Bến Tre đạt các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Thưa ông, Bến Tre có tiềm năng, thế mạnh gì trong thu hút đầu tư?
Tỉnh Bến Tre có 2 thế mạnh chính và là nguồn thu nhập quan trọng là kinh tế vườn và kinh tế biển. Đây sẽ tiếp tục là thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh thời gian tới.
Về kinh tế vườn, với gần 32.000 ha có sản lượng 320.000 tấn/năm, Bến Tre đang hình thành từng bước vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, có năng suất cao như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh… theo các tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn như VietGAP và GlobalGAP... Bến Tre được mệnh danh là xứ sở của cây dừa với đủ các loại dừa có giá trị kinh tế cao; toàn tỉnh hiện có 52.467 ha diện tích trồng dừa, cung cấp sản lượng khoảng 413 triệu trái/năm, là nguồn nguyên liệu đầu vào đa dạng cho ngành công nghiệp chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dừa. Cacao là cây trồng mới nổi của tỉnh với gần 9.000 ha diện tích và sản lượng đạt 42.000 tấn quả tươi/năm đang là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho sản xuất bánh, kẹo, phục vụ ngành sản xuất chocolate.
Chăn nuôi của Bến Tre phát triển khá mạnh trong khu vực, chủ yếu người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm có chất lượng và đây là thị trường lớn cho các DN sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm.
Với 65 km bờ biển và một vùng lãnh hải rộng lớn, Bến Tre đang tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá và đang có tiềm năng đa dạng về phát triển du lịch biển. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh hiện đạt 42.000 ha, với sản lượng nuôi và đánh bắt trên 300.000 tấn/năm, trong đó có gần 130.000 tấn cá tra.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có, thu hút mạnh hơn nữa đầu tư, Bến Tre đang tập trung vào những giải pháp nào?
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 KCN đang hoạt động là Giao Long giai đoạn 1 (100 ha) và An Hiệp (72 ha) thu hút được 22 dự án, trong đó có 14 dự án FDI. Đến thời điểm này KCN Giao Long đã lấp đầy 85%, KCN An Hiệp đã lấp đầy 78,3%.
Do đó, muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, điều tiên quyết là phải tạo được quỹ đất sạch.
Bến Tre thường xuyên rà soát, ban hành một số chính sách, văn bản pháp lý về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, nhằm tạo quỹ đất sạch theo định hướng quy hoạch được duyệt của tỉnh tạo môi trường đầu tư tốt nhất, hấp dẫn nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN sẽ được tỉnh hỗ trợ theo chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành, tối đa 30% chi phí đền bù cho từng KCN, khu nhà ở công nhân tùy theo từng dự án để có giá cho thuê đất hợp lý sau đầu tư hạ tầng. Thời hạn cho thuê đất theo dự án đầu tư tối đa đến 70 năm và hỗ trợ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các chính sách khác, như quy hoạch hoạch chi tiết khu, cụm, hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá đầu tư; thống nhất đầu mối hỗ trợ mọi thủ tục và chăm sóc đầu tư thông qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư của tỉnh…