Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho rằng, làn sóng này sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh việc tái cấu trúc hoạt động của ngành. Trong đó, có 9 ngân hàng yếu kém phải tiến hành xử lý bằng hình thức sáp nhập, mua lại… Mặt khác, với các đại gia khi đã “thôn tính” được ngân hàng khác, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô bằng các vụ mua bán, sáp nhập tiếp theo.
Tuy chưa được công bố chính thức và còn chờ Đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ họp diễn ra vào ngày 26/5 tới, nhưng câu chuyện Sacombank bị thâu tóm đã đi đến hồi kết. Người đứng phía sau dần lộ diện và có thể đoán được chủ nhân mới của Sacombank sau kỳ đại hội đồng cổ đông. Phát biểu trong kỳ họp thường niên Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank), ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng đã cho các cổ đông biết, sở dĩ ông thôi giữ chức HĐQT tại SouthernBank, lui về sân sau với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và giao lại cho con trai Trầm Trọng Ngân kế nhiệm để nhận nhiệm vụ ở nơi khác. Nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy, việc ông Bê đưa con trai vào ghế HĐQT Southern Bank thay thế là để chuyển sang Sacombank, ngân hàng vừa thôn tính được cùng nhóm cổ đông phía sau.
Giới thạo tin trên thị trường trong những ngày qua đã rỉ tai nhau về thông tin một đại gia bộn tiền trong ngành tài chính chuẩn bị thực hiện chiến lược sáp nhập ngân hàng vừa thôn tính được vào nhà băng do chính đại gia trên làm chủ. Đây được xem là thương vụ M&A hứa hẹn có nhiều chuyển biến sôi động. Bởi không ai có thể ngờ rằng, một ngân hàng nhỏ có thể thâu tóm, cũng như chủ động hợp nhất nhà băng có quy mô lớn hơn.
Trả lời cổ đông về vấn đề HDBank sẽ thực hiện chiến lược M&A trong năm nay, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình tìm hiểu, xem xét để lựa chọn đối tác thích hợp trước khi quyết định hợp nhất vào Ngân hàng.
Theo bà Tâm, việc mua lại một ngân hàng khác hoặc hợp nhất vào HDBank là để tăng quy mô và nâng cao thương hiệu của HDBank. Vì thế, chủ trương của HDBank là muốn chủ động tìm đối tác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nên HDBank chưa có phương án cụ thể về hợp nhất. Nhưng HĐQT HDBank cho biết, chiến lược trên sẽ được thực hiện sớm trong năm 2012, nhằm tận dụng cơ hội M&A để phát triển.
Đáng chú ý là, các nhà băng yếu kém nằm trong danh sách 9 đơn vị mà Ngân hàng Nhà nước phải xử lý, áp lực M&A đang dần gia tăng. Vì thế, nếu không có phương án tự nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh, thì các ngân hàng này buộc phải hợp nhất.
Cố vấn cao cấp một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng tại TP.HCM cho biết, để có thể đứng vững một cách độc lập, nhà băng, nơi ông công tác đang xem xét để thu hút thêm vốn từ đối tác chiến lược nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, tránh phải hợp nhất vào ngân hàng khác.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, các đối tác chiến lược nước ngoài cũng như trong nước cũng phải đối mặt với không ít thách thức và khả năng tài chính cũng có phần sụt giảm. Do đó, việc tìm kiếm cổ đông nước ngoài “kết hôn” để nâng cao năng lực tài chính để tránh áp lực phải M&A giai đoạn này là điều hoàn toàn không dễ như kỳ vọng.