|
|
Thủy sản, gạo, dệt may khẳng định vị thế |
6/11/2012 7:55:02 AM
Thủy sản, gạo, dệt may đứng đầu Top doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2011. Sáng ngày 8/6, Bộ Công thương họp báo công bố Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam năm 2011. Trong số gần 300 doanh nghiệp đã được vinh danh, đứng đầu là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, gạo và dệt may.
Theo con số vừa được Bộ Công thương công bố, năm nay, có 294 doanh nghiệp được tôn vinh “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, trong đó, 3 lĩnh vực có số doanh nghiệp được vôn vinh nhiều nhất là: thủy sản (57 doanh nghiệp), gạo (41 doanh nghiệp), dệt may (38 doanh nghiệp).
Ngoài 3 lĩnh vực trên, Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm nay tiếp tục khẳng định vị thế của nhều ngành nông sản xuất khẩu như cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, rau củ quả gỗ. Đây là điều dễ hiểu, bởi trong năm 2011 vừa qua, xuất khẩu nông sản đã đạt được kỳ tích khi tăng trưởng tới 30%, đạt 25 tỷ USD.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú (doanh nghiệp nhiều năm liền đạt danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín) cho hay, danh hiệu này không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp xuất khẩu trong tìm kiếm bạn hàng và cạnh tranh với các đối thủ khác.
Tương tự, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khẳng định, trong bối cảnh thương mại hội nhập toàn cầu, việc đạt được danh hiệu xuất khẩu uy tín cùng với chính sách quảng bá của Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng khẳng định được thương hiệu của mình, thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường. Cũng theo ông Quyền, hiện xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã thích ứng tốt với Đạo luật Lacey của Mỹ và chậm nhất năm 2013, sẽ thực hiện kiểm tra, cấp giấy nhận gỗ hợp pháp FLECT theo quy định của châu Âu. Việc nhiều doanh nghiệp ngành gỗ được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín càng chứng tỏ doanh nghiệp gỗ Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. “Dù khó khăn nhưng năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn năm ngoái, với mức tăng khoảng 12%”, ông Quyền tin tưởng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, Chương trình Doanh nghiệp xuất khẩu có 3 mục tiêu chính:
Thứ nhất là khuyến khích, động viên các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng uy tín sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có khả năng cạnh tranh.
Thứ hai là giới thiệu, quảng bá hình ảnh và uy tín của thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài, tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ, xây dựng uy tín của mình trong kinh doanh thương mại thời kỳ hội nhập.
Được biết, khác với nhiều giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp khác, doanh nghiệp tham gia đăng ký xét chọn Danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín không phải đóng góp kinh phí. Danh hiệu này được Bộ Công thương xét chọn dựa trên đề xuất của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và các địa phương.
Tiêu chí để đạt danh hiệu trên khá khắt khe. Chẳng hạn như phải là doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, không lỗ liên tiếp trong 2 năm liền kề; không bị các đối tác khiếu kiện về kỹ thuật thương mại, thương phẩm, thương hiệu; thực hiện nghiêm túc các hợp đồng xuất khẩu, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển xuất khẩu, uy tín của giới doanh nhân Việt Nam...
“Được bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, các doanh nghiệp sẽ được vinh danh và quảng bá tên tuổi cũng như uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu đến các bạn hàng quốc tế, qua đó sẽ trực tiếp tìm kiếm được đối tác nước ngoài và tăng khả năng xuất khẩu. Ngoài ra, Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín cũng là căn cứ để các doanh nghiệp nước ngoài có thể tìm kiếm được bạn hàng có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu tại Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải cho hay. |
baodautu |
| |