Không chỉ vậy, Nokia đã đạt thỏa thuận bán thương hiệu hạng sang Vertu cho Công ty EQT Partners AB (Thụy Điển), với giá khoảng 200 triệu euro (tương đương khoảng 250 triệu USD). Tờ Financial Times nhận định, Nokia sẽ bán nhiều tài sản của mình nhằm tìm cách khôi phục bộ phận di động vốn đang trên bờ vực phá sản, bởi sức ép quá lớn từ các cuộc cạnh tranh trên thị trường smartphone, đặc biệt là từ đối thủ Apple và Samsung.
Nokia đã bị mất hơn 70 tỷ euro (tương đương 88 tỷ USD) giá trị thị trường kể từ khi Apple cho ra mắt iPhone vào năm 2007. Để giành lại thị phần từ Apple và sản phẩm chạy trên phần mềm Android của Google, Nokia đã tung ra sản phẩm smartphone sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh dòng điện thoại thông minh này rất bi đát, khiến giá cổ phiếu của Nokia có lúc giảm 10%, xuống còn 2 euro/cổ phiếu (theo Hãng tin tài chính Bloomberg).
Tình trạng trên khiến dư luận Việt Nam không khỏi lo lắng cho tương lai nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Khu công nghiệp - đô thị VSIP Bắc Ninh mà Nokia đã khởi công cách đây 2 tháng. Với tổng vốn đăng ký 302 triệu USD, Nokia dự kiến, nhà máy này sẽ chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2013, với sản lượng đạt 180 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 10.000 lao động.
Đây là nhà máy đầu tiên của Nokia tại Đông Nam Á và là cơ sở sản xuất điện thoại di động thứ 11 của Hãng trên toàn cầu. Nokia sẽ tham gia các hoạt động sản xuất, gia công và lắp ráp điện thoại di động. Trong đó, phần lớn sản phẩm của nhà máy này sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng dự kiến tăng từ mức 80% của năm đầu tiên đi vào hoạt động lên 92% trong năm kế tiếp và lên tới 95% một năm sau đó, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định.
Cũng phải nói thêm là, việc Nokia lựa chọn Việt Nam là điểm đến được cho là sự chuyển hướng sản xuất sang khu vực châu Á, nhằm tận dụng nhân công giá rẻ. Bà Mary McDowell, Phó chủ tịch phụ trách mảng điện thoại di động Nokia khẳng định, nhà máy mới của Nokia sẽ sản xuất và cung cấp những sản phẩm cho các thị trường mới nổi với giá cả hợp lý. Nokia hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhân viên tài năng và nhiệt huyết trong đội ngũ lao động địa phương.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Nokia được hưởng các ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao và kèm theo đó, Nokia cũng phải cam kết một loạt vấn đề liên quan tới tỷ lệ doanh thu, số lượng lao động dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D), lương nhân công…
Như vậy, nhà máy Nokia tại Việt Nam sẽ tập trung sản xuất những sản phẩm phổ thông truyền thống, ít bị ảnh hưởng bởi thị trường smartphone. Song điều dư luận lo lắng cũng không phải là thừa. Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Thanh Lâm, Tổng giám đốc CMC P&T (Tập đoàn công nghệ CMC) nhận định, trước mắt, nhà máy ở Việt Nam không bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, chiến lược toàn cầu của Nokia chắc chắn sẽ được điều chỉnh, thậm chí có thể thay đổi mạnh, vì thị phần dòng điện thoại thông thường giá rẻ đang rơi vào tay Samsung.
Cùng quan điểm, theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Quỹ DFJV (thuộc VinaCapital), vận mệnh của nhà máy Nokia tại Việt Nam cũng mong manh, dù cam kết đầu tư như thế nào. Nokia đã chậm chân hơn Samsung tới 3-4 năm, đáng lẽ họ phải xây dựng nhà máy tại Việt Nam cùng lúc hay ngay sau Samsung.
“Điều Nokia cần làm là tồn tại cho đến khi nhà máy tại Việt Nam có thể bắt đầu hoạt động trong 2 năm tới. Nếu Nokia không tồn tại được, thì nhà máy này vẫn có thể tồn tại, khi đối tác mua Nokia quyết định duy trì kế hoạch đưa nhà máy vào hoạt động”, ông Phúc nói.
Như vậy có thể nói, sự xuống dốc vì “ngủ quên trong chiến thắng” của Nokia khiến nhà máy tại Việt Nam có những ảnh hưởng nhất định trong tương lai. Từ chối trả lời sâu về vấn đề này, song ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng đại diện HTC tại Việt Nam vẫn cho rằng, Nokia có lý do riêng khi quyết định đầu tư xây nhà máy tại Việt Nam và họ sẽ có cách vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Mọi chuyện vẫn đang ở phía trước”, ông Châu nói.