Đồng thời, các công việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đến việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu cho từng ngành - lĩnh vực, như công nghiệp hỗ trợ, logistics… đã được thực hiện, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết: “Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai các dự án, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, năng động và có sức cạnh tranh cao, hỗ trợ hiệu quả các DN đang hoạt động và nhà đầu tư tiềm năng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của tỉnh”.
Xây dựng KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước, sở hữu trên 14 KCN phục vụ nhiều lĩnh vực, như công nghiệp đóng tàu, dịch vụ cảng biển, công nghiệp phục vụ khai thác dầu khí, chế tạo... Song các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành trên lại chưa phát triển đúng tầm.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 3 địa điểm ưu tiên xây dựng KCN chuyên sâu, là KCN Phú Mỹ III, B1 - Tiến Hùng và B1 - Đại Dương để thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tỉnh đang tiến hành xây dựng KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo tại KCN Phú Mỹ III dành cho các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản. Đây sẽ là KCN hoàn chỉnh với các dịch vụ về mặt bằng sản xuất, dịch vụ tiện ích xã hội, các dịch vụ hỗ trợ… để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản khi quyết định đầu tư tại đây.
Về phần mình, các đối tác Nhật Bản đã có những động thái tích cực, thể hiện sự kỳ vọng vào môi trường đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, sau 3 chuyến đi khảo sát, xúc tiến đầu tư của chính quyền tỉnh tại Nhật Bản, đã có nhiều đoàn DN, thuộc các tỉnh Nhật Bản như Kanagawa, Tsubame, Nagoya, Liên đoàn Kinh tế Kankeiren… đến thăm và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Đặc biệt là Tổ chức JICA đã chính thức đến Bà Rịa - Vũng Tàu để khảo sát và tìm hiểu về tình hình chuẩn bị xây dựng KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ dành cho các DN Nhật Bản. JICA đã có những đánh giá tích cực về vị trí địa lý, sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng của tỉnh. Nếu tỉnh có những chính sách thông thoáng, thuận lợi về cơ hội đầu tư, nguồn nhân lực, quan tâm đến cơ chế sau đầu tư dự án, thì việc chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư là một ưu tiên của các DN Nhật Bản.
Hiểu rõ nhu cầu của nhà đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các hoạt động về đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng cho các DN, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, các dịch vụ phục vụ đời sống… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hạ tầng thứ cấp tại các KCN cũng đã và đang hoàn thiện hạ tầng cơ sở, diện tích nhà xưởng, nguồn cung về nhân lực trình độ cao, am hiểu văn hóa các nước để sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư.
Festival các cảng biển quốc tế tại Việt Nam lần thứ I
Festival các cảng biển quốc tế tại Việt Nam lần thứ I - năm 2012 sẽ được tổ chức tại TP. Vũng Tàu trong tháng 11/2012, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chiến lược kinh tế biển của Việt Nam, với ý nghĩa “Việt Nam - Thương cảng hòa bình và phát triển”.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, thông qua các hoạt động,Festival lần này sẽ giới thiệu cơ chế, chính sách,quảng bá tiềm năng các cảng biển, du lịch biển Việt Nam; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực và thu hút đầu tư, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế biển Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm, thiết bị và công nghệ tiên tiến trên thế giới phục vụ cho xây dựng phát triển ngành cảng biển Việt Nam; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chuyên ngành, quảng bá tiếp thị dành cho ngành logistics, hàng hải, xuất nhập khẩu và hiện đại hóa thủ tục hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành thương cảng, kết nối với các hãng tàu và hệ thống logistics, xây dựng chiến lược phát triển các cảng biển và đô thị cảng biển tại Việt Nam.
Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, Festival sẽ mở ra cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quá trình phát triển cảng biển, xây dựng đô thị cảng biển của tỉnh trong tương lai theo định hướng quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; nâng cao vị trí và tầm quan trọng của cảng trung chuyển, phát triển cửa ngõ Vũng Tàu thành một thành phố cảng hiện đại, đủ năng lực hội nhập vào vành đai các thành phố cảng châu Á.
Về ý nghĩa xã hội, Festival cảng biển lần này góp phần nâng cao ý thức trong nhân dân và tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tuyên truyền vai trò và vị trí hàng đầu của ngành kinh tế biển Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần củng cố kinh tế, an ninh và quốc phòng của đất nước.