Trong 1 cuộc họp cuối năm 2011, lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh tìm địa điểm mới để xây dựng Bến xe Miền Tây mới. Địa điểm mới phải có diện tích khoảng 16ha, lớn hơn diện tích theo phương án cũ là 11ha. Đến nay, TP đã có chủ trương chọn thị trấn Tân Túc với diện tích xây dựng bến xe là 15ha.
Ngoài chức năng phục vụ đưa rước khách đi các địa phương, kết nối các loại hình như metro, taxi, xe buýt…; Bến xe Miền Tây mới còn bao gồm chức năng sửa chữa ô tô, nơi đăng kiểm ô tô để di dời các trạm đăng kiểm ra khỏi nội đô TP. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi đăng ký biển số xe cho 10 quận, huyện của TP thay cho Trung tâm Đăng ký xe tại 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh hiện nay.
Theo quy hoạch của TP đến năm 2015, TP sẽ xây dựng mới 4 bến xe lớn là Bến xe Suối Tiên (Bến xe Miền Đông mới tại quận 9 và Dĩ An, Bình Dương), Bến xe Tân Quý Tây (Bến xe Miền Tây mới tại Bình Chánh, nay phải gọi là Bến xe Tân Túc), Bến xe Xuyên Á (thay cho Bến xe An Sương), Bến xe Long Trường – Sông Tắc (bến xe mới tại quận 9, bám trục cao tốc Long Thành – Dầu Giây).
Với 4 bến xe mới trên, TP sẽ mở rộng diện tích bến xe lên gấp 3 lần hiện nay, nâng cao năng lực phục vụ vận chuyển hành khách; đồng thời di dời vị trí các bến xe ra xa khu vực nội đô, tránh gây ảnh hưởng ùn tắc giao thông.
Trong 4 bến xe mới trên, Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây mới đều giao cho Samco làm chủ đầu tư với vốn đầu tư lên đến 3.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất và đưa vào sử dụng trong thời gian 2015 – 2016. Tuy nhiên, hiện dự án xây dựng cả hai bến xe mới này đều đang găp nhiều vướng mắc và chậm tiến độ. Nay thay đổi địa điểm xây dựng Bến xe Miền Tây mới thì có lẽ sẽ chậm hơn nữa.