Tăng trưởng của Mỹ bắt đầu chậm lại…
Nền kinh tế Mỹ chưa đi vào suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đang thoái lùi rõ rệt. Nhiều số liệu kinh tế “trái chiều” nhau khiến giới chuyên gia chưa thể có kết luận nào cụ thể về nền kinh tế này, tuy nhiên có nhiều vấn đề bắt đầu xuất hiện từ bên trong kinh tế lớn nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong Quý II/2012 tiếp tục điều chỉnh giảm xuống mức 1,5%. Chỉ tiêu này từ lần công bố vào cuối Quý I đã giảm từ mức 3% xuống 2,2%. Tiêu dùng cá nhân chỉ tăng 1,5% trong Quý II/2012, chậm hơn rất nhiều so với mức tăng 2,4% trong Quý I/2012.
Cũng theo xu hướng chung trên toàn thế giới, chi tiêu người dân Mỹ có chiều hướng sụt giảm mạnh, các kế hoạch tiêu dùng đang bị hoãn lại do người dân lo ngại về nguồn thu nhập của họ không ổn định trong tương lai. 7 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức quanh 8% và gần đây nhất, trong tháng 7 đã tăng lên 8,3%. Bên cạnh đó, theo khảo sát của các tổ chức thống kê và an sinh xã hội thì chất lượng việc làm cũng như thu nhập của người lao động cũng có chiều hướng bất ổn.
Trong bối cảnh này, giới đầu tư đặt kỳ vọng vào một sự hỗ trợ mạnh mẽ, cụ thể từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hòa Kỳ (FED). Mặc dù vậy, trong cuộc họp gần nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, FED vẫn tỏ ra rất thận trọng trong chính sách điều hành tiền tệ khi lặp lại điệp khúc: chưa có chính sách mới, chưa có gói hỗ trợ nhưng sẵn sàng hỗ trợ nếu thấy cần thiết… và điều này bắt đầu khiến các nhà đầu tư thất vọng. Hiện tại, lãi suất cơ bản vẫn được FED duy trì mức 0-0,25% và gói Operation twist (chương trình giảm lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư và tiêu dùng) được gia hạn tới hết năm 2012.
Eurozone suy thoái lan truyền
Với các số liệu kinh tế công bố trong 7 tháng đầu năm, dường như kinh tế châu Âu sẽ khó thoát khỏi suy thoái trong năm 2012. Chỉ số PMI sản xuất (phản ánh sức khỏe khu vực sản xuất) của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong các tháng 5, 6, 7 đều dưới mức 50 và có chiều hướng giảm dần từ mức 45 xuống 44,8 và cuối cùng và 44,1.
Thất nghiệp tăng cao vượt mức 11%, mức cao kỷ lục kể từ năm 1995 đến nay, Tây Ban Nha vẫn là nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất tại Eurozone (24.6%).
Một số nền kinh tế lớn trong khối này đã chính thức suy thoái với mức GDP âm tới quý thứ 2 liên tiếp. Bên cạnh đó, chương trình thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ có thể sẽ trở thành xu hướng chung mà không phải chỉ có mỗi Hy Lạp là nước duy nhất phải thực hiện chính sách này để đổi lấy gói cứu trợ trước mắt. Điều này cho thấy châu Âu không thể phục hồi trong một sớm một chiều.
Khủng hoảng nợ công đang tăng nhanh và lan rộng với tốc độ đáng lo ngại. Hai nền kinh tế lớn là Ý và Tây Ban Nha hiện đang ngày một khó khăn khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Tây Ban Nha tăng vượt 7% trong Quý II và suốt tháng 7 tiếp tục duy trì mức cao hơn 7%. Mặc dù vậy, các quốc gia này cũng không thể mãi đi vay mượn với chi phí quá cao và vấn đề xin gói cứu trợ chỉ còn là thời gian. Tây Ban Nha là quốc gia lớn thứ 3 trong khối châu Âu và nếu tính cả các nước đã phải cứu trợ một phần thì chỉ trong 7 tháng đầu năm, số quốc gia xin cứu trợ từ quỹ giải cứu tăng từ 2 lên 5 quốc gia.
Quỹ giải cứu châu Âu bắt đầu tỏ ra rằng, quy mô của nó không đủ lớn để có thể giải quyết được vấn đề. Điều này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải vào cuộc với những tuyên bố và động thái ban đầu khá mạnh mẽ. Sau khi giảm lãi suất cơ bản xuống mức 0,75% nhằm hỗ trợ kinh tế, trong tháng 7 ECB tuyên bố rằng, sẵn sàng “bơm” mạnh tiền vào nền kinh tế và có thể thực hiện các biện pháp, chính sách tiền tệ không theo thông lệ nhằm kích thích nền kinh tế khối này. Mặc dù vậy, kết thúc tháng 7 ECB vẫn chưa đưa ra một chính sách cụ thể nào…
Các nước BRICS bị ảnh hưởng nặng nề
“BRICS” là tên gọi của tổ chức các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa).
Một điển hình đáng nói đến, nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới là Trung Quốc bắt đầu thoái lùi tốc độ tăng trưởng. GDP Quý II tại Trung Quốc giảm tốc về mức 7,6%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Điểm này cũng khá giống với kinh tế Ấn Độ, nền kinh tế các nước mới nổi, đặc biệt các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu có chiều hướng suy giảm do những ảnh hưởng suy thoái trên toàn cầu và do sức mua giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước thực hiện những chính sách tiền tệ kích thích kinh tế, hoặc đưa ra các cam kết, hứa hẹn cũng là hiện tượng chung đối với các nền kinh tế mới nổi. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã 3 lần hạ lãi suất cho vay, 2 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ trong 7 tháng đầu năm. Nhìn từ bên ngoài có cảm nhận rằng, có vẻ như Chính phủ Trung Quốc đang hướng ưu tiên dần sang mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là độ rộng và chiều sâu của các biện pháp kích thích tăng trưởng sẽ đến mức độ nào mới là quan trọng và tác động của sự thay đổi chính sách tới nền kinh tế sẽ vẫn là một câu hỏi lớn…
Có thể thấy rằng, tình hình kinh tế thế giới 7 tháng không hề có nhiều điểm sáng. Khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế có sức lan truyền nhanh và vô cùng mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng rất rộng và tác động mạnh lên các nền kinh tế toàn cầu, chỉ khác nhau là mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều. Những con số trực quan cho thấy trong những tháng còn lại của năm 2012 nền kinh tế toàn cầu sẽ khó có những đột phá tích cực. Có chăng, cái mà nhà đầu tư mong đợi trong thời gian này chính là sự thay đổi của chính sách điều hành tại các quốc gia, các biện pháp để giải quyết những vấn đề đang là rào cản đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.