Nợ xấu và lượng hàng tồn kho lớn được coi là hai điểm nghẽn, “khối u” khiến thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào bế tắc. Chỉ khi nào xử lý được hai “khối u” này, thì mới hy vọng thị trường BĐS có thể khởi sắc trở lại.
Hiện chưa có thống kê chính xác về lượng căn hộ bị tồn, chưa tiêu thụ được tại Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều nguồn khác nhau đưa ra các con số khác nhau. Song dù theo con số thống kê nào, thì vẫn không thể phủ nhận thực tế, lượng căn hộ bị tồn đang là một “bãi nghĩa địa” lớn “chôn” hàng trăm ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp (DN).
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn (Công ty Savills Việt Nam tại Hà Nội) cho biết, chỉ riêng Hà Nội phải mất 5 năm mới có thể giải quyết lượng căn hộ bị tồn.
Một “khối u” khác là nợ xấu BĐS đang có chiều hướng tăng lên. Do sự khác biệt trong phân loại nợ cũng như chính sách phân loại của từng ngân hàng, nên hiện có 2 con số về nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng.
Theo số liệu từ các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 31/5/2012, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng trên phạm vi cả nước là 4,47% (hơn 117.000 tỷ đồng), còn theo cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại thời điểm 31/3/2012, con số này là 8,6% (hơn 202.000 tỷ đồng).
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, các DN BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó lượng hàng tồn kho quá lớn gây khó khăn cho cả DN BĐS lẫn DN của các ngành liên quan, như xây dựng, vật liệu xây dựng… Bên cạnh đó, nợ xấu đang cản trở DN tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Ngành ngân hàng và DN cùng tháo gỡ
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2013 là năm Chính phủ tiếp tục “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, với 2 trọng điểm chính là xử lý nợ xấu ngân hàng và đẩy mạnh tiến độ tái cấu trúc DN nhà nước.
Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng là vấn đề đặc biệt được quan tâm trong dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2013. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng nhằm giúp các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn và giảm nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2013.
Để giúp thị trường “ấm” lên, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, ngành ngân hàng cần tập trung giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng phương án xử lý nợ xấu đối với các DN BĐS. Sẽ chỉ cho vay đối với các dự án BĐS mà chủ đầu tư có kinh nghiệm và bắt buộc phải có tỷ lệ vốn tự có nhất định tham gia dự án trước khi vay ngân hàng hoặc huy động từ các nguồn vốn khác”, ông Tần nói.
Như vậy, năm 2013, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư cho xây dựng nhà ở và thị trường BĐS, song chỉ có những dự án nhà ở xã hội, các công trình sắp hoàn thành hoặc đang triển khai đúng tiến độ mới lọt vào danh sách tiếp tục được “bơm vốn“. Còn những dự án thuộc phân khúc cao cấp, văn phòng cho thuê... sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.
Về phần mình, các DN BĐS, muốn được cứu, thì trước hết phải tự cứu mình bằng cách chủ động tìm các giải pháp để giải quyết những khó khăn, tạo thanh khoản cho thị trường, như giảm giá bán, tăng cường tiếp thị, tạo thêm các tiện ích hấp dẫn người mua...