|
|
Động lực cải cách kinh tế |
5/2/2013 7:17:01 AM
Gia nhập WTO đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận và qua đó có thể rút ra những bài học quan trọng. Ngày 1/1/2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Sự kiện này mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu song cũng đặt nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Gia nhập WTO, mở rộng hội nhập quốc tế đã tác động mạnh đến mọi hoạt động kinh tế. Thương mại và đầu tư tăng nhanh đã thúc đẩy sản xuất, gia tăng sản lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Nhờ rào cản chu chuyển vốn được dỡ bỏ, dòng vốn trong, ngoài nước đã hướng mạnh vào những ngành kinh doanh hiệu quả. Việc mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng đầu ra đã tạo lợi thế thúc đẩy cải cách kinh tế.
Sức ép cạnh tranh khi vào WTO buộc Việt Nam phải đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm vốn đầu tư, nhất là FDI. Mặc dù kinh tế toàn cầu thiếu ổn định, song kinh tế đất nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao.
Với tổng sản phẩm quốc nội từ 71 tỷ USD (2007) tăng lên 130 tỷ USD vào năm 2012 (cao gấp 1,83 lần) và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,74 lần trong cùng thời gian. Nền kinh tế đã thể hiện động thái phát triển tích cực trong hội nhập với độ mở được duy trì từ 157% (2007) đến 175,8% trong năm 2012.
Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải tuân thủ phần lớn cam kết quốc tế. Cắt giảm bảo hộ thúc đẩy cải thiện đầu vào nhập khẩu với chi phí thấp, hàng hóa và dịch vụ không phù hợp với lợi thế cạnh tranh có thể phải giảm hoặc chấm dứt sản xuất. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu về gạo, cà phê, cao su, thủy sản... song chủ yếu vẫn là sản phẩm có giá trị và chất lượng thấp.
Trong cạnh tranh xuất khẩu, mặt hàng chủ lực thường sản xuất ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị phân công lao động quốc tế. Sản phẩm may mặc, điện tử hầu hết là hàng gia công dựa vào mẫu mã, nguyên liệu và công nghệ nước ngoài với mức độ đa dạng hóa thị trường thấp.
Đáng lo ngại là hàng xuất khẩu chủ yếu ở dạng sơ chế, lắp ráp hoặc gia công, có giá trị gia tăng không đáng kể. Đặc biệt cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản, đã làm cạnh tranh bất lợi ngày càng gay gắt hơn cho sản xuất trong nước trước sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài.
Giới phân tích cho rằng, yếu tố làm giảm hoặc gây trở ngại nâng cao năng lực cạnh tranh bắt nguồn từ chiến lược kinh doanh. Mô hình kinh tế và chiến lược phát triển dựa trên tài nguyên lao động giá rẻ và gia công xuất khẩu đang ngày càng mất đi lợi thế. Mô hình hiện hành nếu tiếp tục duy trì sẽ trở thành lực cản khi rào cản thương mại và bảo hộ được gỡ bỏ hoàn toàn.
Hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu vắng công nghiệp hỗ trợ và lao động có chuyên môn kỹ thuật, thiếu vốn và công nghệ đang làm doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh dẫn đến giảm doanh thu, giảm lợi nhuận và rất khó mở rộng thị trường.
Sau 6 năm gia nhập WTO, nhận diện đúng thực trạng để có giải pháp vĩ mô phù hợp trong thực thi cam kết là vấn đề thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội. Theo đó, cơ chế giải quyết tranh chấp chống bán phá giá ở nước ngoài, là hình thức bảo hộ được ngụy trang, đã trở thành nội dung nổi bật.
Thông thường thuế suất mặt hàng nhập khẩu được coi là giải pháp bảo hộ danh nghĩa (Nominal Rate of Protection - NRP) cho sản phẩm sản xuất trong nước. Đó là căn cứ lựa chọn mức thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ hữu hiệu cho những ngành hàng trong nước có sức cạnh tranh và lan tỏa. Hệ số bảo hộ hữu hiệu (Efective Rate of Protection - ERP) thông qua thuế nhập khẩu, phụ thuộc vào khả năng bảo hộ của ngành kinh tế, giá trị gia tăng trong nước và giá trị tăng thêm của ngành kinh tế đó ở nước ngoài.
Phân tích hiện trạng thực thi cam kết gia nhập WTO giai đoạn từ 2005 đến 2011 trong ngành nông lâm - thủy sản cho thấy, hệ số bảo hộ hữu hiệu ERP trước ngày gia nhập WTO (2005-2007) có xu hướng tăng dần (tiệm cận với bảo hộ danh nghĩa NRP); ngược lại, sau khi gia nhập WTO lại giảm khá nhanh.
Giống như khu vực I (nông nghiệp), tình trạng ở khu vực II (công nghiệp-xây dựng) cũng diễn ra tương tự; từ năm 2007 trở đi, ERP có xu thế thấp đi nhiều so với NRP. Trong nền kinh tế với đóng góp của khu vực II vào GDP chiếm tới 42%, ERP của sản phẩm trong khu vực I ngày càng suy giảm, dẫn đến hiệu quả của khu vực II cũng giảm sút theo.
Thực trạng kinh tế còn cho thấy, sản xuất trong khu vực II thiên về gia công, nhóm ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa tận dụng tốt sản phẩm đầu vào trong nước. Nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu gia tăng với rất nhiều lĩnh vực có ERP <0, kích thích nhập khẩu cao >1 và hệ số bảo hộ hữu hiệu ở mức độ âm. Nặng về nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài được cho là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhập siêu của nền kinh tế luôn ở mức độ cao.
Trong nghiên cứu lan toả kinh tế và kích thích nhập khẩu trong một số ngành công nghiệp như trang phục, da, lông thú, các sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ khí đốt, hóa chất cơ bản, sản phẩm plastic và cao su tổng hợp... có chỉ số lan tỏa kinh tế <1, kích thích nhập khẩu cao >1.
Nếu tập trung vào phát triển những ngành công nghiệp này, thì không thể tạo được động lực lan tỏa; thậm chí càng phát triển lại càng phải gia tăng nhập khẩu. Ngược với những nhóm hàng nêu trên, những ngành hàng nông sản chế biến từ thịt, thủy sản, rau quả, gia vị, nước chấm, thực phẩm, bánh kẹo... có chỉ số lan tỏa kinh tế từ 1,01 đến 2,03, chỉ số kích thích nhập khẩu<1 và hệ số bảo hộ hữu hiệu ERP cao gấp từ 1,6 đến 6,7 lần bảo hộ danh nghĩa NRP, là những nhóm ngành cần được quan tâm nhằm khắc phục tình trạng không bảo hộ sản xuất trong nước và mất đi lợi thế cạnh tranh.
Bức tranh bảo hộ thực tế trong lộ trình thực hiện cam kết WTO của Việt Nam cho thấy, xu hướng bảo hộ một số ít ngành mà khả năng cạnh tranh yếu; trong khi thiếu bảo hộ những sản phẩm nông sản chưa qua chế biến và một số ngành hàng xuất khẩu đã dẫn đến phân phối thu nhập không tương xứng với công sức của các nhóm ngành sản xuất và lưu thông sản phẩm.
Gia nhập WTO đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận và qua đó có thể rút ra những bài học quan trọng. Những gì diễn ra trong thực thi cam kết WTO chưa đạt hiệu quả mong muốn là vấn đề cần được quan tâm trong xây dựng và hoạch định chính sách trong thời gian tới. |
VnEconomy |
| |