|
|
Cần điều chỉnh tiến độ xây dựng nhà máy Điện hạt nhân |
2/13/2014 9:57:44 AM
Vấn đề điều chỉnh tiến độ xây dựng nhà máy ĐHN số 1 đã được các cơ quan Chính phủ thảo luận trong suốt năm vừa qua. Vấn đề điều chỉnh tiến độ khởi công xây dựng nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, gần đây, được dư luận rộng rãi quan tâm sâu sắc, trên các cơ quan ngôn luận và dư luận trong nước và cả báo chí nước ngoài có nhiều bài viết công khai bày tỏ chính kiến.
Sự quan tâm đó rộng rãi hơn, đặc biệt sau khi Thủ Tướng Chính phủ xác nhận và có chính kiến về các thông tin nói trên. Nhiều cơ quan báo chí chính thức và bán chính thức tiếp tục phát tán thông tin và cả lời bình luận.
Trong trách nhiệm của mình, báo Vietnamnet vừa qua đã có một số bản tin và bài viết liên quan được đưa ra. Tiếp tục, trong số này, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin cụ thể kèm theo một vài nhận định mới mẻ, của một chuyên gia trong nhiều năm đã tham gia các chương trình phát triển khoa học và công nghệ điện hạt nhân và nay vẫn tiếp tục tham gia tư vấn vào dự án xây dựng các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận – Tiến Sĩ Võ Văn Thuận.
Dự kiến khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) số 1 vào năm 2014 được ghi trong Nghị quyết số 41 của Quốc Hội ngày 25 tháng 11 năm 2009, trước khi xảy ra vụ tai nạn Fukushima. Vấn đề điều chỉnh tiến độ xây dựng nhà máy ĐHN số 1 đã được các cơ quan Chính phủ thảo luận trong suốt năm vừa qua.
Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh này là rất cần thiết. Trước hết, để có đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu mới về an toàn hạt nhân do IAEA khuyến cáo. Nhà nước đã khẳng định đặt an toàn hạt nhân lên mức cao nhất, yêu cầu phải sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, thực chất là công nghệ thế hệ 3+ với những điều kiện soi xét rất khắt khe.
Hiện nay Chủ đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kết thúc giai đoạn lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư. Trong báo cáo gửi Quốc Hội tháng 9/2013, Bộ Công Thương dự báo trong năm 2014 chỉ có thể khởi công xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật xung quanh nhà máy, nhưng đối với khu vực trung tâm có lò phản ứng hạt nhân thì cần thêm thời gian để thực hiện các bước chuẩn bị khác, trong đó khâu quan trọng là thẩm định thiết kế, thẩm định báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và chấp hành đúng các quy định cấp phép xây dựng của Việt Nam. Thông thường các nước đã có kinh nghiệm xây dựng ĐHN cũng thực hiện thẩm định trong khoảng 2 đến 3 năm. Như vậy thời điểm khởi công đổ móng tâm lò phản ứng hạt nhân phải lùi lại ít nhất 3 năm. Thời điểm nào cụ thể thì vẫn đang chờ được chính thức phê duyệt.
Như vậy, Chính phủ có những yêu cầu ngày càng cụ thể đảm bảo an toàn cao nhất và đạt hiệu quả kinh tế cho Dự án ĐHN Ninh Thuận. Đây là một quan điểm nhất quán. Tôi cũng nhận thấy sự hợp tác của IAEA với Việt Nam trong mấy năm qua được nâng cao rõ rệt và rất hữu hiệu. Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai vừa rồi, ông Tổng Giám đốc Amano đã khẳng định Việt Nam có tiến bộ rất nhiều trong xây dựng các điều kiện hạ tầng chuẩn bị cho điện hạt nhân như: soạn thảo các văn bản pháp quy và củng cố hệ thống các cơ quan quản lý; lập đề án dài hạn đào tạo nhân lực và nâng cấp trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ. IAEA đánh giá cao cố gắng của Việt Nam trong 2 năm qua ký kết tham gia đầy đủ Công ước quốc tế về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định thanh sát hạt nhân và gia nhập Công ước chung về quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và quản lý chất thải phóng xạ.
Việt Nam cũng ký tắt Hiệp định song phương hợp tác hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ. Như vậy, về cơ bản nước ta đã có những cam kết quốc tế quan trọng nhất về an toàn, an ninh hạt nhân và không truyền bá vũ khí hạt nhân (quốc tế gọi là 3S), làm cơ sở cho việc hợp tác chuyển giao công nghệ xây dựng nhà máy ĐHN. Tất nhiên Dự án ĐHN là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp. So với kế hoạch, việc đào tạo nhân lực và xây dựng văn bản pháp quy vẫn chậm. Vì vậy lời khuyến nghị của ông Tổng giám đốc trong chuyến thăm Việt Nam gần đây là chí lý: “Cần có bước chuẩn bị thật tốt… đảm bảo an toàn, an ninh và bền vững chứ không thể vội vàng”. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam “làm điện hạt nhân thành công” đúng như kỳ vọng mà Tổng Giám đốc IAEA đã phát biểu trong lần thăm cách đây 2 năm.
Một trong những nội dung quan trọng nhất cần chuẩn bị tốt, đó khâu đào tạo nguồn nhân lực. Vì con người là nhân tố quyết định thành công, nhất là đối với việc phát triển ngành công nghệ cao như ĐHN, trong khi nước ta lại đang thiếu hụt chuyên gia trong lĩnh vực này, vì vậy phải coi việc đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu. Tháng 8/2010 Chính phủ thông qua Đề án 1558 ưu tiên đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân trong 10 năm để có thêm mỗi năm khoảng 260 học viên chuyên ngành hạt nhân vào học tại 7 trường Đại học trong nước hoặc gửi ra các nước tiên tiến. Nhiều người trong số đó sẽ trực tiếp phục vụ xây dựng và vận hành hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận.
Những người đạt trình độ giỏi sẽ có cơ hội chủ trì quản lý dự án, giám sát chất lượng, nghiên cứu khoa học công nghệ cao. Đến nay đã có gần 200 sinh viên được đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga cho nhà máy ĐHN số 1; hàng trăm cán bộ và giảng viên được tập huấn ngắn hạn ở Nhật Bản, Pháp, Hungary. Để thúc đẩy tiến độ, tháng 4/2013 Chính phủ phê duyệt dự án cụ thể đào tạo cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận bao gồm đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên. Riêng Nhật Bản đã bắt đầu đào tạo cho EVN một đội ngũ cán bộ khung của nhà máy Ninh Thuận số 2. Tổng công ty Sông Đà, Lilama và các đơn vị liên quan có chủ trương đưa hàng nghìn kỹ thuật viên và công nhân lành nghề đi hợp tác lao động tại công trường xây dựng ĐHN ở Liên bang Nga, giúp trang bị kiến thức và kinh nghiệm đặc thù ngành hạt nhân nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng và chất lượng tối thiểu cần thiết có thể tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy.
Tuy nhiên cần phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và có loại đào tạo ngắn hạn. Ban Chỉ đạo nhà nước dự án ĐHN Ninh Thuận đã phân công Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chương trình đào tạo sinh viên các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân theo Đề án 1558; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì quy hoạch đào tạo cán bộ cho các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan pháp quy hạt nhân; EVN chịu trách nhiệm đào tạo về quản lý dự án, xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN. Trong số gần 10 nghìn lượt người tham gia quá trình xây dựng ĐHN, chỉ có khoảng dưới một nghìn người là đào tạo chuyên sâu, bao gồm một số chuyên gia rất tinh túy. Số 5 đến 7 nghìn khác tham gia cao trào xây dựng lại không phải nhân lực đặc biệt hiếm, nếu như chúng ta lấy người từ các tập đoàn xây dựng nhiệt điện, thủy điện, dầu khí v.v. rồi tái đào tạo trong một thời gian ngắn.
Hình thức đào tạo cũng đa dạng, nhưng đối với số đông thì đào tạo thực hành là quan trọng nhất, trong đó các công nhân xây dựng và nhân viên vận hành phải được đến làm việc tại công trường xây dựng và nhà máy ĐHN của các đối tác Nga và Nhật Bản. Không thể chủ quan coi việc nắm bắt kiến thức ĐHN cũng giống như các công nghệ khác vì đây thật sự là một thách thức lớn đối với nước ta. Nhưng đừng vì khó mà tự ti, bởi kinh nghiệm cho thấy 30 năm trước chúng ta chưa thể khẳng định người Việt Nam sẽ tự mình làm thủy điện lớn, xây cầu dài và khai thác dầu khí trên biển. Ngày nay Việt Nam đã có thể làm chủ các công nghệ lớn này.
Phối hợp với Đề án đào tạo, việc xây dựng chính sách thu hút nhân lực là giải pháp quan trọng. Chính phủ vừa ban hành Nghị định ưu đãi thu hút sinh viên chuyên ngành hạt nhân. Bộ Nội vụ cũng được giao soạn thảo các cơ chế ưu đãi đối với chuyên gia và nhân viên làm việc trong lĩnh vực hạt nhân. Hiện nay tiến độ thực hiện Đề án Đào tạo còn chậm, số lượng và chất lượng tuyển chọn học viên đi đào tạo còn chưa đáp ứng kế hoạch, nhưng hy vọng các chính sách thu hút sẽ phát huy tác dụng.
Đến nay mới chỉ có những dự tính, nhưng chưa có quyết định chính thức về điều chỉnh thời điểm khởi công đổ móng bê tông các hạng mục hạt nhân, tuy nhiên nếu chuyển dịch thêm vài năm trong khoảng từ cuối năm 2017 đến 2020 thì điều đó không có nghĩa là chúng ta có dư dật nhiều thời gian. Ngược lại, nếu muốn theo kịp mốc tiến độ mới, thì chúng ta cũng phải rất khẩn trương và tận lực thực hiện các công tác của Dự án Ninh Thuận. Có thể hình dung điều đó thông qua khối lượng của vài nhiệm vụ sau đây: dự thảo mấy trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho nhà máy ĐHN; thẩm định hàng trăm tập tài liệu thiết kế, phân tích an toàn; đào tạo gần 2000 cán bộ và nhân viên vận hành…
Tuy nhiên, nếu Chính phủ có chỉ đạo đồng bộ, có kế hoạch rõ ràng, khi đó quỹ thời gian sẽ có ích và giúp chúng ta đạt mục tiêu. Ngược lại, nếu kém quyết tâm hoặc thiếu ý thức trách nhiệm ở bất cứ khâu nào thì dù có kéo dài hơn tiến độ cũng chưa chắc đã hoàn thành kịp. Riêng vấn đề lựa chọn công nghệ thì đến nay nhờ cố gắng kiên trì của Việt Nam mà các bên đối tác đã đưa ra danh sách ngắn gồm mấy công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.
Đối với nhà máy số 1 Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ VVER hiện đại nhất thế hệ 3+ của Nga. Dự án số 2 cũng đưa ra hai ứng viên công nghệ lò áp lực mới nhất thế hệ 3+ do Nhật Bản hợp tác với Pháp thiết kế hoặc liên danh thương mại với Mỹ. Cần lưu ý rằng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp chúng ta đảm bảo an toàn hạt nhân cao nhất như yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, nhưng chọn xong công nghệ cụ thể, chủ đầu tư vẫn phải đưa ra những yêu cầu bổ sung cho nhà sản xuất để nâng cao chất lượng, đáp ứng các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Tất cả những công việc này đều cần có đủ quỹ thời gian.
Chương trình ĐHN nhằm mục tiêu quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao trình độ khoa học công nghệ cho đất nước. Trong 3 năm qua, vượt trên những thách thức rất đặc biệt, chúng ta đã có bước đi cẩn trọng và có hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư. Trong giai đoạn tiếp theo phải cố gắng đáp ứng tiến độ khởi công đổ móng bê tông cho lò phản ứng đầu tiên sau khi được chính thức phê duyệt điều chỉnh. Thời điểm khởi công này chắc không sớm hơn cuối năm 2017 như dự báo của Bộ Công Thương. Sau giai đoạn xây dựng và khánh thành nhà máy đầu tiên, chúng ta chắc chắn còn phải dựa vào các chuyên gia các nước đối tác trong vận hành khai thác ĐHN.
Nói tóm lại, chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó nhiều việc phải tự phấn đấu, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học và đào tạo để từng bước làm chủ một công nghệ hiện đại, phức tạp và có mối quan tâm của đông đảo đồng bào trong cả nước, như công nghệ điện hạt nhân.
TS. Võ Văn Thuận
(Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Chuyên gia cố vấn Chương trình Năng lượng hạt nhân) |
vnn |
| |