Theo Thông tư số 21/2014 được Bộ Tài chính ban hành ngày 14-2 về quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, người đại diện phải có trình độ chuyên môn bậc đại học trở lên, có khả năng, kinh nghiệm thực tế từ ba năm trở lên về quản lý tài chính doanh nghiệp, về kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp phù hợp với vị trí được ủy quyền.
Trường hợp doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì người đại diện phải có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài. Nhưng quy định thế nào là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì không thấy được giải thích trong thông tư này.
Ngoài ra, người đại diện không được là người thân của người quản lý, điều hành doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước và của người có thẩm quyền quyết định việc ủy quyền làm người đại diện. Người thân ở đây được quy định rõ là vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột. Điều đó có nghĩa giả thử một tổng công ty nhà nước cổ phần hóa một doanh nghiệp trực thuộc và nhà nước vẫn giữ một tỷ lệ cổ phần nhất định tại doanh nghiệp mới cổ phần, nếu Tổng giám đốc hay Chủ tịch tổng công ty nhà nước đó làm đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần thì đương nhiên họ không thể cử con hay vợ làm người quản lý, điều hành công ty cổ phần đó được.
Chưa rõ với những trường hợp đã xảy ra trong thực tế thì sẽ được xử lý như thế nào.
Ngoài ra, Thông tư này còn quy định bảy tiêu chuẩn, điều kiện khác đối với người đại diện và nhiều nội dung khác liên quan đến trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người đại diện.