Mười nhà đầu tư trong và ngoài nước vừa nhận được giấy phép đầu tư, tăng vốn đầu tư vào các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TPHCM với tổng vốn cam kết xấp xỉ 240 triệu đô la Mỹ.Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 các KCX, KCN tại TPHCM do Ban quản lý các KCX, KCN TPHCM (Hepza) tổ chức ngày 19-2.
Trong số 10 nhà đầu tư trên đáng chú ý là Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma... đã cam kết đầu tư 140 triệu đô la Mỹ vào TPHCM. Theo Hepza, nhà đầu tư này thành lập Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) để phát triển dự án thành lập trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp trên diện tích 45 héc ta tại KCN Đông Nam.
Theo nhận định của Hepza đây là dự án nhằm chuẩn bị đón đầu cơ hội gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam.
Trong khi đó, Công ty Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico (Đài Loan) cũng cam kết đầu tư 50 triệu đô la Mỹ để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Dự án đặt tại KCN Đông Nam này hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho 3.550 lao động.
Cùng thời gian này, Công ty cổ phần CX Technology (VN) chuyên sản xuất các linh kiện loa, phụ tùng xe đạp, xe hơi, xe máy tại KCX Tân Thuận cũng đã quyết định tăng thêm 8 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên thành 30 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất.
Dù có những tín hiệu tốt về vốn cam kết đầu tư như vậy doanh nghiệp, nhưng năm 2014 này Hepza chỉ đặt mục tiêu thu hút khoảng 550 triệu đô la Mỹ vào các KCX, KCN, thấp hơn hơn 58 triệu đô la Mỹ so với năm ngoái.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Ban quản lý các KCX, KCN, cho biết mục tiêu trên vẫn cao hơn 10% so với kế hoạch năm 2013.
Theo ông Phước, Hepza vẫn tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao, tập trung vào 4 lĩnh vực gồm cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến tinh lương thực - thực phẩm.
Ông Phước cho biết thành phố đã chuẩn bị 408 héc ta đất và hơn 67.400 mét vuông nhà xưởng tiêu chuẩn để tiếp đón các nhà đầu tư tại các KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ, Hiệp Phước giai đoạn 2 và KCX Tân Thuận. Ngoài ra, thành phố cũng vừa triển khai Khu kỹ nghệ Việt - Nhật để thu hút dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao.
Hepza đang phối hợp với các sở ngành để hỗ trợ chủ đầu tư các KCN Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Lê Minh Xuân mở rộng, Vĩnh Lộc 3, Xuân Thới Thượng, Phước Hiệp, Hiệp Phước giai đoạn 3...sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai cơ sở hạ tầng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà yêu cầu Hepza tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong KCX, KCN cũng như định hướng các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN chuyển dần sang mô hình KCN xanh.
Trong năm 2013, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư trên 608 triệu đô la Mỹ vào các KCX, KCN (bao gồm đầu tư mới và mở rộng), tăng 47,87% so với năm 2012. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư hơn 363 triệu đô la Mỹ, tăng 74,91% so với năm 2012. Các doanh nghiệp trong nước đầu tư hơn 5.153 tỉ đồng (khoảng 245,6 triệu đô la Mỹ), tăng 20,37% so với năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp KCX, KCN thành phố năm qua đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 13% so với năm 2012.
Đến nay, có trên 270.000 người đang làm việc tại các KCX, KCN TPHCM.