Phát biểu tại một hội thảo mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ đang gặp nhiều áp lực vì phong trào đầu tư casino tràn lan khi trước đây chỉ có một tỉnh xin làm, nay đã thành 10 tỉnh.
Dù những dự án này chưa được cấp phép mà mới trong quá trình xem xét, song vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư bày tỏ: “Rất nhiều tỉnh xin làm. Tôi mệt mỏi vô cùng".
Hoạt động kinh doanh casino được thí điểm tại Việt Nam từ 1992. Đến giữa năm 2013, theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước có khoảng 7 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh, trong đó 5 dự án quy mô nhỏ đã hoạt động tại Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh và 2 dự án quy mô lớn tại tỉnh Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, dự án Nam Hội An (Quảng Nam) vốn đầu tư 4 tỷ USD đang bị đình trệ sau khi Genting rút lui vào năm 2012, hiện công ty quản lý quỹ VinaCapital đang cố tái khởi động dự án nhưng vẫn chưa công bố chính thức đối tác mới. Dự án Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn cam kết 4,2 tỷ USD đã hoàn thành giai đoạn I nhưng trước đó cũng vướng vào nhiều lùm xùm khi đơn vị quản lý rút khỏi dự án khiến chủ đầu tư quyết định phải trực tiếp quản lý khu nghỉ dưỡng, đi cùng với đó là việc thay tên gọi.
Ngoài các dự án trên, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đang có kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư xây casino tại khu kinh tế Vân Đồn. Thông tin mới nhất cho thấy Tập đoàn ISC (Australia) và Tập đoàn Tuần Châu ngỏ ý tham gia và đang xây dựng quy hoạch cho khu nghỉ dưỡng phức hợp vốn 7 tỷ USD (bao gồm casino) tại đây. Không chỉ vậy, tỷ phú sòng bài Sheldon Adelson - CEO Las Vegas Sands đã tới Việt Nam ba lần trong hai năm qua để cân nhắc xây casino tại Hà Nội và TP HCM.
Theo dự thảo Nghị định về hoạt động kinh doanh casino, để được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhà đầu tư phải có mức vốn đăng ký tối thiểu 4 tỷ USD. Do vậy, chỉ cần thu hút một dự án casino, địa phương sẽ đạt được thành tích lớn trong việc thu hút vốn, một chuyên gia nhận định.
Nguồn thu từ dịch vụ casino lớn cũng khiến đây trở thành mục tiêu nhòm ngó của nhiều ông lớn. Một bài báo mới đây của Reuters dẫn lời lãnh đạo trong ngành công nghiệp này nhận định, Việt Nam có thể thu về 3 tỷ USD từ ngành kinh doanh trò chơi có thưởng, gấp 10 lần Campuchia và tương đương Philippines hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Suy nghĩ thu hút các dự án casino để lấy thành tích kêu gọi vốn ngoại, tăng GDP là rất dở, vì còn phải cân nhắc thu hút vốn để làm gì và ai sẽ được lợi. Nhiều địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa vì lợi ích chung và không tính những hệ quả kèm theo.
Dẫn chứng từ việc Việt Nam đã cho phép triển khai xây sân golf tràn lan trước đây và sau đó phải loại khỏi quy hoạch hàng chục công trình, vị này cho rằng sẽ phải xem xét rõ trách nhiệm của các cơ quan cấp phép nếu để nhiều địa phương làm casino tràn lan.
Bên cạnh đó, bà cũng khuyến nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng khi mở cửa với lĩnh vực kinh doanh sòng bài, bởi Việt Nam hiện nay mới chỉ là nền kinh tế đang phát triển, kỷ cương xã hội còn chưa nghiêm ngặt, trong khi đó việc cá cược, đánh bạc có thể phát sinh nhiều tiêu cực.
Bộ Tài chính đang tiếp tục chỉnh lý dự thảo Nghị định về kinh doanh casino trình Thủ tướng xem xét, trước khi đưa ra bàn luận ở kỳ họp Thường vụ Quốc hội sắp tới. Theo đó, casino là hoạt động kinh doanh có điều kiện và sẽ bị quản lý nghiêm ngặt.
Ngoài việc đáp ứng về mức vốn cam kết lớn và có kinh nghiệm, chủ đầu tư chỉ được xem xét cấp giấy phép kinh doanh sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng. Ngoài ra, trước khi trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan cấp giấy phép phải lấy ý kiến thẩm định của ít nhất 5 Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Bộ Xây dựng.