Theo Hepza, trong quý I năm nay, nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ, chủ yếu là lao động phổ thông để bù đắp số lao động nghỉ việc và đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của nhà đầu tư.
Cụ thể, tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong khu vực này trong quý 1 ước khoảng 17.130 người, tập trung vào ngành may mặc và da giày.
Tuy nhiên Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp các khu công nghiệp - khu chế xuất của thành phố (Trung tâm) chỉ giới thiệu được 1.480 lao động, trong đó, lao động trúng tuyển chỉ đạt khoảng 450 người.
Hepza cho biết nhu cầu tuyển dụng tăng nhưng khan hiếm nguồn lao động đầu vào đang là nghịch lý của TPHCM. Trung tâm đã phối hợp với Đài tiếng nói TPHCM (VOH) phát thanh tuyên truyền về thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố để tìm nguồn lao động.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nguồn lao động bền vững, Trung tâm đã phối hợp với các trường dạy nghề, các tỉnh thành để đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể Trung tâm đã liên kết với Trường trung cấp nghề QK9 tỉnh Vĩnh Long cung ứng lao động đã qua đào tạo đến làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố; liên kết với Công ty Esuhai (chuyên đào tạo và phái cử thực tập sinh, kỹ sư sang Nhật làm việc) để chuẩn bị nhân sự cao cấp giới thiệu cho các doanh nghiệp trong khu.
Ngoài ra, Trung tâm này cũng ký kết với Trường trung cấp nghề trực thuộc Đại học Tôn Đức Thắng; Cao đẳng Kinh tế -Công nghệ thành phố; Cao đẳng Kinh tế Nguyễn Trường Tộ; Cao đẳng nghề Đồng Khởi -Bến Tre tổ chức ngày hội tư vấn kỹ năng tìm việc, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nơi thực tập cho học sinh sinh viên và đưa sinh viên tới làm việc tại doanh nghiệp theo mô hình vừa đào tạo vừa làm,...
Tính đến nay, các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố có 1.293 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 8,05 tỉ đô la Mỹ. Tổng số lao động làm việc trong khu vực này khoảng 269.800 người, giảm hơn 4.200 người so với cùng kỳ năm ngoái. |