5/26/2014 9:48:27 AM

Báo cáo của Oxfam cho biết một số dự án đầu tư công tại Việt Nam chưa phù hợp với nguyện vọng người dân, dẫn đến hiệu quả thấp và lãng phí.

 Trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố kết quả của 350 cuộc phỏng vấn người dân và chính quyền địa phương về 40 công trình đầu tư công tại 4 tỉnh (Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu), kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5/2014.

Kết quả cho thấy tính hiệu quả của các hoạt động đầu tư công là một thách thức không nhỏ đặt ra hiện nay. Theo Oxfam, một số chương trình, dự án đầu tư công chưa thực sự sát với nhu cầu của người dân do thông tin về các công trình quá hạn chế, chỉ có tên công trình, thời gian dự kiến thực hiện, tên cơ quan chủ đầu tư, thiếu đi những yếu tố cần thiết khác như kế hoạch xây dựng, thiết kế...

"Hiện giờ theo quy định thì chủ đầu tư phải công khai thông tin về công trình. Trên thực tế thì chủ đầu tư thường chỉ có pano thông báo về công trình ở nơi thực hiện. Nhưng thông tin trên pano rất ít, thường chỉ có tên công trình, thời gian dự kiến thực hiện, tên cơ quan chủ đầu tư,… chứ không có thông tin về thiết kế", ông Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Một người dân tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phản ánh với đoàn công tác của Oxfam rằng khi xây dựng đường thì người dân đều không biết về việc lập kế hoạch xây dựng, chỉ có hộ nào bị giải toả, thì được gọi ra họp thống nhất giá đền bù đất.

Không chỉ thiếu thông tin về từng công trình cụ thể, người dân còn không nắm rõ được các thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dẫn đến họ không có thông tin về các kế hoạch đầu tư công hoặc không biết về chủ trương đầu tư, đặc biệt của cấp huyện và tỉnh, báo cáo của Oxfam cho biết.

Mặt khác, người dân trên các địa bàn cũng chưa được tham gia thực chất vào các hoạt động đầu tư công. "Tất cả các công trình có vốn đầu tư 100%  từ ngân sách nhà nước được khảo sát đều không có sự  tham gia của người dân trong quá  trình  lựa chọn ưu tiên đầu tư, ra quyết định đầu tư công, thiết kế và giám sát thực hiện công trình", tổ chức này đánh giá. Hiện nay, người dân mới chỉ có thể tham gia đóng góp ý kiến và giám sát các công trình mà "nhà nước và nhân dân cùng làm", tức là phải có sự đóng góp tiền, sức lao động và đất đai.

Chỉ có con đường nhà nước và nhân dân cùng làm thì mới thực hiện họp dân, bàn  về các khoản đóng góp, sau đó công khai dự toán, quyết toán, ông Sơn (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xác nhận.

Việc hoạt động đầu tư chưa phù hợp với nguyện vọng của người dân, hiệu quả giám sát thấp dẫn đến nhiều công trình không hiệu quả và lãnh phí, chưa đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh thực tế tại địa phương. Quá trình tham vấn cũng ghi nhận những phản ứng không hài lòng, thậm chí mất lòng tin của người dân và các cấp chính quyền điạ phương khi các quyết định đầu tư và sử dụng tiền ngân sách không đúng mục tiêu.

Báo cáo của Oxfam dẫn chia sẻ của một đại diện người dân xã Hòa Lộc, thành phố Nam Định rằng: "Các công trình cứ làm xong mà không sử dụng được hoặc nhanh xuống cấp thì người dân cũng thấy xót vì tiền bị lãng phí. Nếu cứ như thế mãi thì người dân mất lòng tin vàochính quyền".

Bà Lê Kim Dung, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định việc ban hành luật riêng trong lĩnh vực đầu tư công là đúng đắn, kịp thời, song, cần xem xét đến sự tham gia và giám sát của người dân, bao gồm việc xây dựng chủ trương, kế hoạch đầu tư và thực hiện chương trình, từ đó góp phần mang lại sự hài lòng và đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn Nhà nước cũng như công trình.

Oxfam đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên công khai, minh bạch thông tin và có cơ chế phản hồi thông tin về thiết kế, dự toán và mức đầu tư của các công trình... tới người dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đồng thời, tất cả các công trình công cộng trên địa bàn địa phương cần phải phải xuất phát  từ nhu cầu của người dân, lấy ý kiến người dân về khoản chi đầu tư để đảm bảo chi đúng nhu cầu.

 

Ông Đặng Mai Sơn, phó bí thư tỉnh đoàn tỉnh Hòa Bình khẳng định khi có người dân tham gia, công trình đảm bảo chất lượng hơn và người dân có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng công trình. "gì xuất phát từ nhu cầu của người dân, lắng nghe người dân, có được sự đồng thuận của dân thì sẽ đạt hiệu quả cao", ông nói.

VNEXPRESS  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.