Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn đầu tư BowerGroupAsia Inc (Mỹ) cho biết, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, nhưng đang gặp phải hàng loạt rào cản chính sách.
“So với các ngành khác, số lượng dự án đầu tư của Mỹ vào nông nghiệp Việt Nam rất nhỏ”, bà Hà nói.
Trên thực tiễn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp được xem là dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư, được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và một số ưu đãi khác. Song do thiếu quy định cụ thể về điều kiện, cũng như tiêu chí áp dụng các ưu đãi trên, nên trên thực tế, những ưu đãi này chỉ nằm trên giấy.
“Nhiều dự án trồng rừng, trồng mía gặp khó khăn, do chỉ được giao một phần nhỏ diện tích đất trồng rừng so với quy định của giấy phép đầu tư. Các dự án trồng và chế biến rau quả thường gặp cản trở trong thuê đất và quan hệ với nông dân về đất đai. Các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho các dự án này gần như không được áp dụng trong thực tiễn, do tâm lý cho rằng, chủ đầu tư không cần nguồn vốn tín dụng này, hoặc do thủ tục xin cấp vốn tín dụng quá phức tạp, thiếu minh bạch”, bà Hà phân tích.
Năm 2013, hai đoàn doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh, nhưng không có doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đó, vào tháng 9/2011, 15 doanh nghiệp nông nghiệp và lương thực của Mỹ cũng sang Việt Nam với mục đích tương tự. Trong số này có các thương hiệu lớn như ACX Pacific Northwest, Case New Holland, Commercial Lynks, ConAgra Foods, Dantzler, Dragonberry Produce, Garuda International, Intervision Foods, John Deere, Novick Industries, PTC International, TRC Trading Corporation, Verdant Ocean...
Các doanh nghiệp này tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương và 150 nhà sản xuất, nhập khẩu, các nhà phân phối và các nhà đầu tư nhằm thiết lập quan hệ làm ăn. Thế nhưng, theo một số nguồn tin, đến nay, hầu như không có hợp đồng đầu tư nào được ký kết giữa hai bên.
Hiện chỉ có 2 nhà đầu tư Mỹ làm ăn hiệu quả tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp là Cargill và Monsanto. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ đầu tư vào sản xuất và phân phối các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng và thức ăn chăn nuôi, chứ không đầu tư trực tiếp vào trồng trọt và chăn nuôi”, bà Hà cho biết.
Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty Dekalb Việt Nam, công ty con của Monsanto tại Việt Nam cho biết, Dekalb Việt Nam sẽ đầu tư thêm 1 triệu USD trong vòng 5 năm tới vào nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Công ty này còn đầu tư 1 triệu USD phát triển các loại giống ngô phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam, giúp nông dân tăng năng suất ngô.
Hiện Monsanto đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nông dân trong một dự án hợp tác công - tư về chuyển đổi lúa sang ngô tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với Cargill, mới đây đã hoàn tất việc mở rộng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Bình Định (khoản đầu tư trị giá 20 triệu USD), giúp tăng công suất từ 60.000 tấn/năm lên 240.000 tấn/năm.
Đây là một trong 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam của Cargill. Nhà máy này sẽ giúp Cargill đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng tại Việt Nam. Cùng với việc mở rộng này, Cargill đã đầu tư hơn 110 triệu USD vào ngành chăn nuôi và thủy sản Việt Nam trong vòng 10 năm qua, với tổng công suất 1,4 triệu tấn/năm. Con số này sẽ được nâng lên 1,5 triệu tấn/năm vào năm 2015.
Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng rằng, sự phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ trong những năm gần đây và đặc biệt là tiến trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mở ra những triển vọng mới không chỉ cho xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước, mà còn cho các hoạt động đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
“Tuy vậy, triển vọng về đầu tư có được hiện thực hóa hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào quy định và chính sách cụ thể mà Việt Nam sẽ áp dụng để thực hiện các cam kết TPP, cũng như khắc phục những bất cập trong chính sách nhằm xoá bỏ rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nông nghiệp”, bà Hà nhấn mạnh.