Thông tin từ Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, đã thu hút hơn 263 triệu USD vốn FDI. Trong đó, cấp mới 19 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 231 triệu USD; 16 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm hơn 32 triệu USD.
Theo ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Hepza, nguồn vốn FDI đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, ngoài các dự án đầu tư mới, nhiều dự án có quy mô lớn đang triển khai đầu tư để mở rộng sản xuất.
Một tín hiệu khả quan, theo ông Hà, đó là việc Dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shen Zhou, Trung Quốc) được cấp phép đầu tư từ tháng 3/2014 tại KCN Đông Nam, với số vốn đăng ký là 140 triệu USD đang chuyển động tích cực. Đây là dự án lớn trong lĩnh vực dệt may, theo cam kết của chủ đầu tư thì 100% thiết bị, máy móc là sử dụng mới để sản xuất các sản phẩm cao cấp và khách hàng chủ yếu là các thương hiệu nổi tiếng, như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo... Theo ông Hà, chủ đầu tư đang tích cực đẩy nhanh tiến độ của Dự án để có thể hoàn thành giai đoạn một vào nửa đầu năm 2015, dự kiến thu hút khoảng 3.000 lao động.
Ngoài ra, một số dự án có quy mô lớn đã hoạt động sản xuất tại Hepza tăng vốn đầu tư, triển khai thực hiện trong thời gian gần đây. Đơn cử, Dự án của Công ty Nidec Tosok Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) với sản phẩm là các loại mô-tơ nhỏ chính xác cao, các linh phụ kiện và mô-tơ (stepping motor), cuộn dây dẫn điện, bộ biến điện, trục điều khiển trong hộp số tự động...
Trong năm 2013, chủ đầu tư đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm hơn 95 triệu USD để đầu tư máy móc, thiết bị mới. Hiện với mức đầu tư hơn 205 triệu USD và hơn 4.000 lao động, chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện phần đầu tư mở rộng để tăng công suất.
Tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nhiều dự án FDI có quy mô lớn cũng đang thực hiện các kế hoạch đầu tư mở rộng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Việt Nam đã cho biết, Intel Việt Nam đang tiến hành kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất dòng sản phẩm mới cho nhà máy tại SHTP, đó là sản xuất chip SOC và CPU. Việc lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm mới, khả năng sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới và việc đầu tư sản xuất này nằm trong tổng mức đầu tư 1 tỷ USD của Dự án.
Dự án của Intel Việt Nam tại SHTP hoàn chỉnh và sản xuất các sản phẩm chip mang nhãn hiệu Intel từ màng mạch (wafer); cung cấp dịch vụ hậu mãi cho các sản phẩm nhãn hiệu Intel; thực hiện nghiên cứu phát triển (R&D) trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao…
Thông tin từ SHTP cho biết, hiện nay, Dự án của Intel Việt Nam đã sử dụng diện tích là 20 ha, với gần 1.000 lao động, lũy kế nộp ngân sách là hơn 21 triệu USD… Giá trị xuất khẩu của Intel Việt Nam trong năm 2013 là hơn 1,8 tỷ USD.
Một dự án khác, có tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD cũng đang triển khai mở rộng sản xuất, đó là Dự án Công ty TNHH Jabil Việt Nam, với mục tiêu hoạt động sản xuất thiết bị văn phòng và máy tính; thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị truyền thông, thiết bị y tế và các thiết bị công nghiệp điện tử tiêu dùng; chế tạo khuôn mẫu nhựa chính xác.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban SHTP, Dự án của Jabil Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2012 tuy phải thuê một phần nhà xưởng để hoạt động tạm trong khi chờ xây dựng nhà máy, nhưng đã có kết quả sản xuất, kinh doanh khá tốt. Năm 2013, nhà máy của Jabil Việt Nam đã được đưa vào hoạt động, tổng diện tích sử dụng thực tế của Dự án là 5 ha, số lao động là gần 2.000 người, doanh thu đạt hơn 400 triệu USD, lũy kế nộp ngân sách là hơn 5 triệu USD...
Cũng theo bà Loan, Dự án của Jabil Việt Nam đã giải ngân được gần 50% so với tổng vốn đầu tư đăng ký và với những kết quả sản xuất, kinh doanh tốt trong thời gian gần đây, doanh nghiệp này hiện đang triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất.
Trong năm nay, SHTP đưa ra kế hoạch đạt giá trị xuất khẩu là 3 tỷ USD. Với việc các doanh nghiệp như Intel Việt Nam, Jabil Việt Nam...đang triển khai các kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất, giá trị xuất khẩu của SHTP có thể sẽ còn cao hơn nữa.
Đối với các doanh nghiệp FDI quy mô lớn, thì với việc rốt ráo đầu tư, mở rộng sản xuất có thể khẳng định, họ đã đạt được những kết quả sản xuất, kinh doanh như mong đợi. Hơn nữa, động thái tăng vốn để mở rộng sản xuất còn là biểu hiện về sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.