Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) công bố cho thấy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 8 tháng qua dù thấp hơn đến 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cùng thời gian này vốn giải ngân đạt đến 7,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Kết quả này cho thấy vốn giải ngân của doanh nghiệp FDI vẫn duy trì ở mức ổn định trong những tháng đầu năm và có chiều hướng tăng nhẹ vào những tháng sau đó.
Cơ quan quản lý và thu hút nguồn vốn FDI xem đây là một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay. Bởi theo giới phân tích, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cùng với vụ "lộn xộn" diễn ra vào giữa tháng 5 rồi (phản đối Trung Quốc đặt gian khoan trái phép) nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục giải ngân, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn tin tưởng về tiềm năng và lợi thế lớn về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng đây là một kết quả tích cực trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. Thành tích này được cho là nhờ một số dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư từ các năm trước đang cho giải ngân rất nhanh.
Một ví dụ là Tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử, điện gia dụng để xuất khẩu của LG Electronics với hơn 100.000 mét vuông nhà xưởng tại khu công nghiệp Tràng Duệ thuộc khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng. Tổ hợp dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 tới chỉ khoảng 1 năm được cấp giấy phép đầu tư. Với số vốn đăng ký lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ, dự án sẽ tạo thêm 20.000 việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận.
Dự án Samsung Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức đi vào hoạt động được 5 tháng nay sau 1 năm xây dựng và tính đến thời điểm này, SEVT đã giải ngân được khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ hay dự án Samsung Bắc Ninh (SEV) cũng giải ngân được trên 1,73 tỉ đô la Mỹ.
Nhà sản xuất điện tử Samsung đang tiếp tục rót vốn mở rộng đầu tư nâng công suất sản xuất các tổ hợp này cũng như đầu tư các dự án mới hứa hẹn sẽ đóng góp lớn cho việc giải ngân vốn FDI của cả nước trong thời gian tới.
Tập đoàn Formosa cũng đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư dự án khu liên hợp tỉ đô la Mỹ gang thép Hà Tĩnh, cũng sẽ đóng góp lớn vào vốn giải ngân trong năm nay.
Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương, hàng loạt các doanh nghiệp có vốn đăng ký quy mô nhỏ và vừa khác cũng đang xúc tiến đẩy nhanh việc đầu tư để kịp đi vào hoạt động sản xuất, sẽ góp phần không nhỏ cho tổng nguồn vốn giải ngân FDI trong năm nay.
Các cơ quan quản lý đầu tư và giới phân tích cho rằng vốn giải ngân thể hiện rõ về tình hình hiện thực đầu tư của doanh nghiệp hơn là vốn đăng ký. Bởi ở những năm trước dù vốn cam kết rất cao, nhưng vốn thực hiện rất thấp. Một số dự án tỉ đô la Mỹ được cấp phép lâu năm nhưng rồi cũng rút đi do một số nhà đầu tư không có thực lực tài chính hoặc không huy động được vốn, vay được vốn của các tổ chức tài chính...
Với động thái này, giới quan sát dự báo rằng vốn giải ngân của khu vực doanh nghiệp FDI sẽ tăng cao hơn so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng không mang tính đột biến. Trong khi đó theo đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài thì dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,7% so với năm 2013. Nếu đạt được con số này thì xem đây là một kết quả khá ấn tượng.