Theo các chuyên gia của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), điểm nổi bật trong cơ chế xử lý các dự án nhà máy IPP và các nhà máy điện BOT không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết chính là xử phạt bằng tài chính.
Theo dự thảo, trong 30 ngày làm việc, sau khi có văn bản chấp thuận giao quyền phát triển dự án, chủ đầu tư dự án nhà máy điện IPP và Bộ Công thương phải thực hiện ký kết thỏa thuận phát triển dự án; với dự án BOT là biên bản ghi nhớ. Các thỏa thuận này sẽ quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư và Bộ Công thương trong quá trình thực hiện đầu tư dự án nhà máy điện nhằm đảm bảo đúng tiến độ dự kiến đưa vào vận hành do Thủ tướng Chính phủ giao.
Các vấn đề được đưa ra trong thỏa thuận này là thời điểm lập và phê duyệt quy hoạch địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng công trình (thiết kế kỹ thuật và tổng mức dự toán), tiến độ lập hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư và giấy phép xây dựng.
Các thời điểm đàm phán và ký kết các hợp đồng chính của dự án, gồm thuê đất, vay vốn, đóng tài chính, mua bán điện, xây dựng, cung cấp thiết bị và tổng thầu thi công, hay ngày khởi công dự án án, vận hành thương mại từng tổ máy, vận hành thương mại toàn bộ nhà máy, cũng được ký thỏa thuận rõ ràng giữa chủ đầu tư và Bộ Công thương.
Tiếp đó, trong 15 ngày làm việc, sau khi ký kết thỏa thuận phát triển dự án với Bộ Công thương, chủ đầu tư dự án phải nộp bảo lãnh phát triển dự án khoản tiền 1 triệu USD. Khoản tiền bảo lãnh này phải do một trong 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phát hành dưới hình thức bảo lãnh không hủy ngang, thanh toán vô điều kiện theo yêu cầu của Bộ Công thương.
Khi chậm 60 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết trong thỏa thuận phát triển dự án, trừ trường hợp bất khả kháng, Bộ Công thương sẽ thực hiện tịch thu một khoản tiền phạt là 200.000 USD, khấu trừ từ bảo lãnh phát triển dự án, đồng thời có văn bản thông báo việc tịch thu khoản tiền phạt nêu trên, cũng như yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm, đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo.
Khi bảo lãnh phát triển dự án ban đầu đã bị khấu trừ hết, chủ đầu tư phải nộp cho Bộ Công thương bảo lãnh phát triển dự án khác có giá trị bằng bảo lãnh ban đầu.
Cũng trong 60 ngày làm việc kể từ khi Bộ Công thương có văn bản thông báo về việc tịch thu khoản tiền phạt chậm tiến độ, nếu chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ra văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của chủ đầu tư.
Lẽ dĩ nhiên, bảo lãnh phát triển dự án cũng sẽ được hoàn trả cho chủ đầu tư vào ngày vận hành thương mại của dự án, sau khi đã khấu trừ các khoản phạt chậm tiến độ trong quá trình thực hiện đầu tư (nếu có). Đặc biệt, nếu dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại đúng hoặc chậm không quá 60 ngày so với tiến độ đã cam kết, toàn bộ bảo lãnh sẽ được hoàn trả cho nhà đầu tư và không bị khấu trừ các khoản phạt chậm tiến độ đã thực hiện trước đó.
Số liệu từ Tổng cục Năng lượng cho hay, hiện có 17 dự án BOT và một dự án BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu), trong đó có 2 dự án đã đi vào vận hành là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3. Ngoài ra, cũng có hàng loạt dự án điện IPP khác được đầu tư bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và các nhà đầu tư nội địa khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có những dự án BOT và IPP triển khai rất chậm, không đúng tiến độ đã cam kết với Chính phủ và Bộ Công thương, gây khó khăn cho việc điều hành, cân bằng cung cầu điện. Bởi vậy, việc có thái độ rõ ràng và kiên quyết với các dự án chậm tiến độ là động thái cần thiết để các chủ đầu tư nghiêm túc triển khai dự án thay vì nhận xong để đấy nhưng vẫn không bị xử lý gì, gây bức xúc và lỡ cơ hội cho các nhà đầu tư khác có tiềm lực thực sự.