Báo cáo mới nhất của FIA (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ đầu năm nay đến ngày 20-9, cả nước có 1.152 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,63 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, có 418 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỉ đô la Mỹ, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả dự án mới và tăng vốn trong 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt 11,18 tỉ đô la Mỹ, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo FIA, từ đầu năm đến nay có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong số này, nổi bật là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với nhiều dự án đầu tư mới và có số vốn đầu tư lớn, nên đã vượt qua Nhật Bản để dẫn đầu về vốn cam kết vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết đầu tư 3,55 tỉ đô la Mỹ, với 374 dự án mới và 119 dự án điều chỉnh tăng vốn, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong những dự án lớn của Hàn Quốc có dự án nghiên cứu và phát triển, sản xuất màn hình có độ phân giải cao ở tỉnh Bắc Ninh, có tổng số vốn 1 tỉ đô la Mỹ, do Samsung Display thuộc Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đầu tư. Đây cũng là dự án duy nhất có vốn đăng ký 1 tỉ đô la Mỹ trở lên được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm đến nay. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ dẫn đầu về vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam trong năm nay khi Samsung còn có một dự án đầu tư lớn khác ở TPHCM đang chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cho dự án mới và tăng vốn là 1,52 tỉ đô la Mỹ, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư và Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,43 tỉ đô la Mỹ, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Singapore với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,07 tỉ đô la Mỹ, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo FIA, dù trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn vốn FDI bị giảm nhiều nhưng vốn thực hiện của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn ổn định và có tăng trưởng chút ít so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,2 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này cũng tiếp tục tăng trưởng khá trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 73 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 66,6% kim ngạch xuất khẩu (Xuất khẩu không kể dầu thô trong 9 tháng đạt 67,2 tỉ đô la Mỹ tăng 14,6% so với cùng kỳ 2013).
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9 này đạt 60,28 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 56,3% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 9 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 12,7 tỉ đô la Mỹ.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 571 dự án đầu tư đăng ký, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 69% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng đầu năm 2014. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 27 dự án đầu tư đăng ký, tổng vốn đầu tư của dự án mới và tăng thêm là 1,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm là 612,1 triệu đô la Mỹ.
|