Đó là thông tin được đưa ra tại buổi đối thoại giữa UBND tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, việc ký kết hợp đồng nguyên tắc tín dụng sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2014 (quy định trước đây là đến thời điểm này phải hoàn thành giải ngân) và việc giải ngân vốn vay sẽ được thực hiện trong cả năm 2015.
Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, sau gần 1 tháng, mới có khoảng 15 doang nghiệp tiếp cận, làm các thủ tục để nhận hỗ trợ từ gói tín dụng này. Vì số doanh nghiệp làm thủ tục còn ít nên tỉnh quyết định kéo dài thời gian để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo nội dung công bố khi triển khai gói tín dụng, tỉnh Bình Dương phối hợp với BIDV hỗ trợ gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do hoạt động gây rối vào giữa tháng 5 vừa qua.
Có 37 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp của Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc... đang hoạt động tại tỉnh Bình Dương được vay với mức lãi suất cho vay cố định là 7%/năm; trong đó lãi vay mà doanh nghiệp phải trả là 3,5%/năm (50% lãi suất) và phần lãi vay còn lại 3,5%/năm được ngân sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ.
Đây là gói tín dụng trung hạn để thực hiện dự án đầu tư tài sản cố định bao gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị và phương tiện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hạn mức cho vay của gói tín dụng được xác định dựa trên cơ sở mức độ thiệt hại và nhu cầu vay vốn cần thiết, hợp lý của doanh nghiệp, tối đa không quá 50 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tỷ lệ cho vay tối đa bằng 50% vốn đầu tư của một dự án và doanh nghiệp phải tham gia tối thiểu 50% vốn tự có đối với dự án vay vốn và thời gian cho vay được hỗ trợ lãi suất là 3 năm.