Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Khi vận hành công suất ở mức 100%, mỗi tháng nhà máy sẽ sản xuất gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diezel, khoảng 23.000 tấn LPG và các sản phẩm khác như xăng máy bay Jet-A1 (khoảng 30.000 tấn) và dầu FO (khoảng 25.000 tấn).
Với tiến độ vận hành thử hiện nay, tính riêng năm 2009, NMLD Dung Quất sản xuất được khoảng 2,7 triệu tấn sản phẩm các loại.
Dự kiến doanh số hằng năm của nhà máy vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng; trong đó, xăng chiếm khoảng 19.000 tỷ đồng, dầu diezel ô tô chiếm khoảng 26.000 tỷ đồng (chưa kể đến doanh số của Nhà máy sản xuất Polypropylene).
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất) cho biết: Khi NMLD Dung Quất chính thức hoạt động, sản phẩm ra đời sẽ góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Theo kế hoạch, tháng 4/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp tục cho ra các loại sản phẩm như xăng A90, A92, A95, xăng máy bay. Đến hết tháng 6 năm nay, nhà máy này sẽ đồng loạt hoạt động tất cả 14 phân xưởng.
“Dự kiến giá dầu thô bán cho NMLD Dung Quất không phải chịu thuế xuất khẩu (khoảng 10%) nhưng vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng và các khoản thuế khác theo quy định hiện hành. Chính vì vậy, để đảm bảo thống nhất, giá dầu thô bán cho NMLD Dung Quất được quyết định tương đương giá xuất khẩu đi các nước khác ở cùng thời điểm”, ông Thắng nói.
Theo Nghị định số 55, cơ chế giá xăng dầu của NMLD Dung Quất không hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước có quyền can thiệp để điều tiết. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Nhà nước có thể sử dụng xăng dầu dự trữ tại Dung Quất, giảm giá bán tại đây để điều hòa giá trong một thời gian nhất định. Do đó, NMLD Dung Quất là một công cụ bình ổn giá xăng dầu quan trọng trong thời gian tới.