|
|
Kiến nghị Thủ tướng xem xét vụ KCN “kêu cứu” |
4/25/2009 11:40:00 AM
Doanh nghiệp KCN không biết giải thích sao với cổ đông khi bị truy thu thuế từ năm 2004 hàng chục tỷ đồng. Vừa qua, Báo Pháp luật TP.HCM có nhiều bài phản ánh các khu công nghiệp “kêu cứu” trong đó nêu Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế mới đối với hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (gọi chung là KCN).
Theo hai văn bản của Bộ Tài chính là Công văn 7074 (ngày 19-6-2008) và Quyết định 62 (ngày 1-8), KCN phải đóng gấp hai đến ba lần thuế và bị truy thu từ năm 2004. Căn cứ văn bản của Bộ, Cục Thuế TP.HCM đã có công văn yêu cầu một số KCN trên địa bàn phải kê khai thuế từ năm 2004 đến nay.
Riêng Cục Thuế Đồng Nai không yêu cầu KCN kê khai mà “tính giúp” luôn cho doanh nghiệp số tiền thuế bị truy thu từ năm 2004.
Chiều qua (8-9), Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM tổ chức cuộc họp khẩn về vấn đề này với sự tham gia của 12 lãnh đạo KCN trên địa bàn TP và hai lãnh đạo KCN ở Đồng Nai, Bình Dương.
KCN chỉ cho thuê lại đất
Ông Ngô Tuấn - Giám đốc KCN Tân Thới Hiệp (quận 12) cho biết: Ngày 14-8, KCN nhận công văn Cục Thuế TP.HCM.
Công văn này yêu cầu các KCN phải lập lại tờ khai quyết toán thuế từ năm 2004 đến 2007 trong đó bổ sung phụ lục thuế chuyển quyền sử dụng đất và chuyển quyền thuê đất. Căn cứ cho yêu cầu này chính là Quyết định 62 và Công văn 7074.
Ông Tuấn khẳng định: KCN không phải đối tượng thực hiện thuế chuyển quyền sử dụng đất và chuyển quyền thuê đất. Thứ nhất, hoạt động cho thuê đất trong KCN được định nghĩa là cho thuê lại đất. Định nghĩa này quy định rõ trong Nghị định 85 năm 1996.
Khi thực hiện hoạt động cho thuê lại đất, quyền thuê đất toàn bộ KCN vẫn thuộc về công ty phát triển hạ tầng (chủ KCN). Do đó, hoạt động cho thuê lại đất của chủ KCN không phải là hoạt động chuyển quyền thuê đất.
Thứ hai, tổ chức kinh tế thuê lại đất KCN có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 111 của Luật Đất đai, trong đó có quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi tách quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê lại đất hoàn toàn thực hiện miễn phí, do đó đây không phải hoạt động chuyển quyền sử dụng đất.
Đồng quan điểm, ông Lê Công Bình - Phó Tổng Giám đốc KCN Loteco (liên doanh giữa Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Nhật Bản ở Đồng Nai) cho rằng Loteco không thuộc diện chịu thuế TNDN từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất.
Mặt khác, theo Luật Đầu tư, Loteco tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của giấy phép đầu tư. “Loteco cũng đang đầu tư KCN ở Long Đức nhưng sau khi biết có chính sách thuế mới này, chúng tôi phải xem xét lại” - ông Bình nói.
Cổ phiếu KCN bị ảnh hưởng nặng
Ông Nguyễn Xuân Hán - Phó Tổng Giám đốc KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) cho biết theo giấy phép, KCN Hiệp Phước được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp ba năm và tám năm sau đó được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2006, KCN Hiệp Phước đã cổ phần hóa. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu của DN một phần căn cứ trên chính sách ưu đãi thuế mà DN được hưởng theo giấy phép đầu tư. Vì thế, nếu chính sách thuế mới này áp dụng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư.
“Chính phủ và UBND TP.HCM phải trả lời như thế nào với nhà đầu tư?” - ông Hán đặt câu hỏi. Theo ông Hán, Công văn 7074 và Quyết định 62 của Bộ Tài chính đã trái ngược hoàn toàn với chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước được ghi nhận trong Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật khác.
Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Tổng Giám đốc KCN Tân Tạo thông tin thêm: KCN Tân Tạo lên sàn từ năm 2006. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp được công bố cho nhà đầu tư tìm hiểu để họ bỏ tiền mua cổ phiếu KCN Tân Tạo.
“Nếu chính sách thuế này áp dụng thì chúng tôi không biết trả lời như thế nào với nhà đầu tư khi DN bị truy thu thuế từ năm 2004 với số tiền hàng chục tỷ đồng” - bà Sương nói.
Ông Nguyễn Văn Bé - Phó Tổng Giám đốc KCX Tân Thuận cũng nhận định doanh nghiệp KCN lên sàn chứng khoán có thể sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi nếu công bố cho nhà đầu tư thì cổ phiếu sẽ rớt giá, còn nếu im lặng thì lại thiếu minh bạch.
Kết thúc buổi họp, hiệp hội và lãnh đạo các KCN thống nhất Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM sẽ gửi đơn kiến nghị khẩn cấp với Thủ tướng về vấn đề này.
“Hiệp hội cần phải phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp” - ông Bé đề xuất thêm.
|
Pháp Luật TP |
| |