Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến là một trong hai dự án thành phần trên tuyến đường cao tốc nối thành phố Hạ Long - thành phố Hải Phòng, nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Điểm đầu của dự án kết nối với điểm cuối dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng tại Km 19+800; còn điểm cuối kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt(theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP), với vận tốc thiết kế đạt 100km/h.
|
Lễ khởi công Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng |
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có chiều dài 5,41km, rộng 25m, diện tích đất sử dụng 41,9ha, được thiết kế cho 4 làn xe. Riêng cầu Bạch Đằng dài 3,054km, có kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m chịu được động đất cấp VIII. Cầu sẽ có 3 trụ tháp (trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp 2 bên cao 94,5m với 4 nhịp cầu dây văng, 2 nhịp chính dài 250m, 2 nhịp 2 bên dài 100m hình nan quạt). Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện từ đầu năm 2015 và hoàn thành vào 31/12/2016.
Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 7.611,868 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Nhà nước để thực giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn là 366,099 tỷ đồng; nguồn vốn do nhà đầu tư huy động để thực hiện là 7.245,769 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc chủ động thực hiện dự án: “Mặc dù đã được Chính phủ đồng ý nhưng việc triển khai dự án vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng tỉnh đã chủ động, quyết tâm, đồng thời tiết kiệm và huy động mọi nguồn lực để triển khai xúc tiến, lựa chọn được các Nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án này”.
Trước đó, từ năm 2008, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành đề xuất thực hiện đầu tư tuyến đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kéo dài) và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương. Đến ngày 04/12/2009, dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km mới được Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý cho tách thành 02 dự án độc lập (Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), với nhiều hình thức đầu tư khác nhau.
Lần lượt, ngày 13/9/2014 và hôm nay (25/01/2015), cả hai dự án thành phần này đều đã chính thức được khởi công và cam kết hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 12/2016. Các dự án thành phần này được hoàn thành sẽ giảm cự ly và rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh đi Hà Nội từ 180km còn 130km, giảm thời gian còn 1,5 giờ so với trước đây 3,5 giờ và rút ngắn 50km từ Quảng Ninh đi Cảng Hải Phòng (trước là 75km).
Đây là một dự án lớn và có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến đường cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, giảm tải lưu lượng cho Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10. Đồng thời, nó cũng giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Hải Phòng đến Quảng Ninh.
Do đó, để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp yêu cầu các Bộ ngành, địa phương và Liên danh Nhà đầu tư thực hiện tốt việc tổ chức giám sát, theo dõi và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh, các Bộ, ngành và thành phố Hải Phòng để giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình.
"Các Bộ ngành chức năng của Trung ương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, cùng phối hợp với tỉnh Quang Ninh để kịp thời theo sát, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là về cơ chế, chính sách trực tiếp cho dự án. Phía thành phố Hải Phòng cần phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với thời gian nhanh nhất bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho thi công", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã cam kết với Phó Thủ tướng sẽ quản lý, giám sát và hỗ trợ liên danh Nhà đầu tư triển khai dự án, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
"Đúng thời hạn tháng 12/2016 sẽ hoàn thành dự án và đưa tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả sau đầu tư cùng với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Hà Nội – Lào Cai”, ông Đọc khẳng định.