Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Mặc dù có nhiều tiền năng nhưng đến nay Tây Nguyên mới chỉ đóng góp 4,5%GDP của cả nước và so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. Nhu cầu vốn phát triển Tây Nguyên rất lớn nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng một phần cơ bản phần lớn phải huy động từ các nguồn khác như ODA, FDI và vốn trong nước.
Chính vì thế, tại diễn đàn lần này đã thảo luận các chính sách và định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên như tín dụng cho Tây Nguyên, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca Đông Nam Á, tái canh cây cà phê…
Ngay diễn đàn này, đã có 13 dự án lớn với tổng số vốn đầu tư lên đến 16.600 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên được trao quyết định đầu tư. Trong đó, Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến 7.700 tỷ đồng.
8 ngân hàng thương mại LienvietPostBank, VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB, MB, Sacombank với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký kết với Lienvietpostbank và Him Lam thỏa thuận phát triển Macca tại Tây Nguyên thành cây chiến lược mới ở Lâm Đồng. Theo đó, các bên sẽ quy hoạch chi tiết việc phát triển mắc ca ở địa phương, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nguồn giống – quy trình trồng – chăm sóc; chế biến và phát triển thị trường.
Đặc biệt, một đề án phát triển mắc ca tại Việt Nam với số vốn dự kiến trong 5 – 10 năm tới lên đến 20 ngàn tỷ đồng cho Tây Nguyên đã được khởi động để hướng đến nông dân và các đối tượng kinh doanh khác trong chuỗi giá trị mắc ca. Để tránh rủi ro cho người nông dân, các nhà đầu tư đã ký hợp đồng bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cây mắc ca để đảm bảo nếu trường hợp xấu nhất xảy ra người dân cũng không mất vốn.