Dự án KMW được xây dựng trên diện tích 30 ha, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động sau 36 tháng xây dựng, đạt công suất 220.000 sản phẩm viễn thông sử dụng vô tuyến điện/năm, 380.000 sản phẩm đèn LED/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 người lao động.
Việc Dự án KMW được khởi công xây dựng chỉ sau 3 tháng nhận Giấy chứng nhận đầu tư (tháng 2/2015) được cho là một tín hiệu tích cực không chỉ đối với riêng nỗ lực của KMW, mà còn đối với cả nỗ lực của tỉnh Hà Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư.
Chính vì vậy, phát biểu tại Lễ khởi công Dự án, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã đánh giá cao điều này và nhấn mạnh rằng, việc Công ty TNHH KMW Việt Nam quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng một lần nữa cho thấy sự đổi mới, đột phá trong tư duy chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, khẳng định Hà Nam là một trong những địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“KMW Việt Nam cần tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư, xây dựng đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; triển khai ngay việc tuyển dụng và đào tạo lao động, ưu tiên lao động địa phương để đưa Nhà máy vào hoạt động sau khi hoàn thành xây lắp. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Công ty trong quá trình thi công, cũng như vận hành Nhà máy. Cùng với đó, UBND tỉnh cần sớm hoàn chỉnh đề án thành lập Khu công nghiệp Đồng Văn 3 để tiếp nhận, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng trong thời gian tới”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Trên thực tế, Hà Nam trong những năm gần đây đã tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư. Và một trong những nỗ lực được đánh giá rất cao, đó là “10 cam kết đối với nhà đầu tư”, được đích thân ông Mai Tiến Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam khẳng định lại một lần nữa tại Lễ khởi công Dự án KMW. Đó là giảm tối đa thời gian của nhà đầu tư trong làm các thủ tục đầu tư, triển khai sản xuất - kinh doanh; đáp ứng đủ lao động có chất lượng phù hợp cho các nhà đầu tư; đảm bảo thủ tục và đáp ứng cho việc chuyển đổi phương án sản xuất và nhà đầu tư phụ trợ đi cùng; đảm bảo hạ tầng điện nước tới tận chân khu công nghiệp và đảm bảo đất sạch để làm nhà ở cho công nhân; không có đình công, bãi công; thành lập đường dây nóng của Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh và giải quyết trực tiếp tức thì các thông tin từ các nhà đầu tư...
“Chúng tôi cũng cam kết là tất cả các cam kết trên là nhất quán, thống nhất thực hiện cho các nhà đầu tư”, Bí thư tỉnh ủy Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Quyết tâm của Hà Nam là điều nhìn thấy rõ, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài thường than phiền về chuyện chính sách của các địa phương kém sự nhất quán, nhất là ở khâu thực thi. Cũng vì nỗ lực này, thời gian qua, Hà Nam đã thu hút được một lượng vốn đầu tư không nhỏ.
Năm 2014, Hà Nam đã thu hút được 58 dự án đầu tư, tăng 13 dự án, tương đương 28,9% so với năm 2013; trong đó 32 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 26 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 264,9 triệu USD và 1.448 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 474 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó 124 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 1.044,3 triệu USD và 350 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 35.449 tỷ đồng.
Năm 2014 cũng là năm mà Honda đã đưa nhà máy sản xuất thứ ba của mình tại Việt Nam đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 120,5 triệu USD. Còn đầu năm nay, là dự án 100 triệu USD của KMW, góp phần nâng tổng vốn FDI mà Hà Nam thu hút được trong 4 tháng qua lên 132 triệu USD.
Thông tin gần đây cho biết, ACE Technology (Hàn Quốc) cũng đang lên kế hoạch đầu tư một dự án sản xuất ăng-ten không dây cho thiết bị điện thoại thông minh tại tỉnh này, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 70 triệu USD. “Chúng tôi chọn Hà Nam vì tỉnh có chính sách thu hút đầu tư tốt, cộng với vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội và mạng lưới giao thông thuận lợi”, ông M.H.Kim, Giám đốc phụ trách Dự án của ACE cho biết như vậy.
Đó cũng là lý do để Honda, hay KMW và nhiều nhà đầu tư khác chọn Hà Nam. “Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo địa phương và cam kết sẽ triển khai Dự án đúng tiến độ”, ông Kim Duk Yong, Chủ tịch HĐQT Công ty KMW Hàn Quốc nói.
KMW được thành lập từ năm 1991 và đã nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc và thế giới trong cung cấp các thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng. Ngoài 3 nhà máy ở Hàn Quốc, KMW còn có các nhà máy ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút...