Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, tính đến hết ngày 20-6, cả nước có 757 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,83 tỉ đô la Mỹ, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó còn có 281 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1,65 tỉ đô la Mỹ, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5,49 tỉ đô la Mỹ, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với ba năm gần đây thì vốn cam kết mới trong 6 tháng qua đang ở mức thấp nhất. Cụ thể, thu hút FDI 6 tháng đầu năm của các năm 2012 đến 2014 lần lượt là 6,38 tỉ đô la Mỹ, 10,47 tỉ đô la Mỹ và 6,85 tỉ đô la Mỹ.
Kết quả thu hút vốn FDI mới đạt thấp theo cơ quan quản lý là do từ đầu năm đến nay chưa có dự án nào có vốn cam kết lên đến con số tỉ đô la Mỹ được cấp phép. Dự án lớn nhất được cấp phép từ đầu năm đến nay là của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn đăng ký 660 triệu đô la Mỹ do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, trong 6 tháng đầu năm các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 6,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,6% với cùng kỳ năm ngoái. Một kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh nguồn vốn FDI cam kết mới liên tục bị sụt giảm.
Như vậy, dự báo vốn FDI đăng ký có thể đạt 18 tỉ đô la Mỹ mà Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đưa ra tại hội thảo "Tác động của FDI đến kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cách đây 3 tháng sẽ phải được xem lại. Muốn đạt được kết quả này, từ nay đến cuối năm phải có những dự án đầu tư lớn mang tính đột phá.
Riêng mục tiêu đạt số vốn giải ngân trên 12 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, giới phân tích cho rằng có thể đạt được vì kết quả thực hiện của 6 tháng đầu năm đã đúng như dự báo.
Tổng nguồn vốn FDI cam kết trong năm 2014 gồm cả cấp mới và tăng thêm là 21,92 tỉ đô la Mỹ, chỉ giảm 1,9% so với năm 2013. Trong đó, có 16,5 tỉ đô la Mỹ của 1.843 dự án mới và 5,41 tỉ đô la Mỹ của 749 lượt dự án đang hoạt động xin điều chỉnh tăng vốn.