Trong cuộc họp về tình hình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sáng nay (8-7), lãnh đạo UBND TPHCM đã nêu một số giải pháp mạnh tay hơn như cấm hoạt động, cưỡng chế thu hồi đất... trước thực trạng một số cơ sở sản xuất nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường phải di dời nhưng chây ì, chưa chịu thực hiện.
Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh tại Huyện Củ Chi, một đơn vị nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm phải di dời, mới đây vào tháng 12-2014 bị xử phạt do gây ô nhiễm. Thế nhưng đại diện doanh nghiệp này trong cuộc họp sáng nay lại tiếp tục kiến nghị cho duy trì thêm vài năm với lý do khó khăn về nguồn vốn di dời.
Phát biểu tại cuộc họp về tình hình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố trước ngày 20-7 phải rà soát, khôi phục hồ sơ đã thanh tra, tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh. Chính quyền thành phố sẽ không cho công ty này tiếp tục sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, ông Cang khẳng định.
Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất khác tại TPHCM, dù đã nằm trong danh sách phải di dời do gây ô nhiễm từ hơn 10 năm qua, hiện vẫn còn chây ì, chưa chịu di dời với lý do thiếu mặt bằng, thiếu vốn. Chẳng hạn trạm nghiền Thủ Đức của Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 trên diện tích 104 héc ta tại quận Thủ Đức cũng nằm trong diện phải di dời từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 đề xuất được di dời trạm nghiền Thủ Đức về Khu Công nghiệp Phú Hữu (Quận 9). Tuy nhiên đề xuất này đã không được các sở ngành chấp nhận vì lo ngại sẽ gây ô nhiễm cho các khu dân cư lân cận khu vực này.
Phó Chủ tịch Tất Thành Cang cho rằng Xi măng Hà Tiên 1 có thể chọn phương án phù hợp hơn như phát triển khâu đóng bao, phân phối tại TPHCM chứ không thể phát triển khâu nghiền xi măng tại thành phố bởi không phù hợp với quy hoạch ngành sản xuất vật liệu xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị.
Ông Cang nói rằng đã hơn 10 năm nhưng xi măng Hà Tiên 1 vẫn khá chậm chạp trong di dời trạm nghiền Thủ Đức trong khi các công trình trọng điểm trục giao thông cửa ngõ phía đông thành phố này như metro số 1 cũng chuẩn bị hoạt động từ năm 2018 tới ở khu vực này, gắn liền với việc phát triển khu đô thị đại học, dịch vụ y tế chất lượng cao khu vực phía đông thành phố.
“Hôm nay làm việc có tổng giám đốc doanh nghiệp, tôi khẳng định nghiêm túc nếu theo đúng ngày giờ đã được thông báo mà Xi măng Hà Tiên 1 không chấp hành di dời là thành phố sẽ cắt điện, cắt nước chứ không thể để lâu thêm nữa,” ông Cang nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1, hiện nay công ty đang thuê tư vấn để lập phương án di dời trạm nghiền Thủ Đức, nhưng đến nay vẫn chưa xác định cụ thể địa điểm để di dời trạm nghiền này.
“Công ty đã giảm công suất trạm nghiền Thủ Đức từ 1,7 triệu tấn/năm xuống còn 1 triệu tấn/năm. Bằng mọi giá đến ngày 31-12-2016, chúng tôi cam kết sẽ di dời, không còn sản xuất xi măng tại Thủ Đức nữa,” ông Tuấn Anh đưa ra cam kết tại cuộc họp sáng nay.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng nêu một số doanh nghiệp sản xuất nằm trong danh sách di dời do gây ô nhiễm nhưng còn tồn tại cho đến nay gồm Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải, Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Petrolimex, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bình Triệu, Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định – Phong Phú, và Công ty TNHH Sản xuất Giấy Bao bì Thăng Long.
Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường TPHCM, nêu trường hợp Cơ sở đóng tàu Petrolimex tại Thủ Đức công suất 15 tàu/năm nằm trong khu dân cư, tác động lớn đến người dân nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý môi trường triệt để, chỉ phủ bạt, phun xịt nước để hạn chế tiếng ồn, bụi. Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất hạn chót để ngưng hoạt động cơ sở đóng tàu Petrolimex là ngày 31-12-2015.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết tính đến 31-1-2015, trên địa bàn thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.