Mức đề xuất lương tối thiểu năm 2016 mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra vùng 1 là 3,650 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,2 triệu đồng, vùng 3 là 2,8 triệu đồng, vùng 4 là 2,5 triệu đồng.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Hội đồng Tiền lương Quốc gia về đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
Theo đó, các mức lương tối thiểu của 4 vùng năm 2016 dự kiến sẽ được tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, năm 2015 và những năm tiếp theo tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, là điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm đời sống cho người lao động, giúp họ an tâm lao động sản xuất.
Đủ bù trượt giá
Mức đề xuất lương tối thiểu năm 2016 mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra vùng 1 là 3,650 triệu đồng/tháng (tăng 550.000 đồng so với năm 2015); vùng 2 là 3,2 triệu đồng (tăng 450.000 đồng), vùng 3 là 2,8 triệu đồng (tăng 400.000 đồng), vùng 4 là 2,5 triệu đồng (tăng 350.000 đồng).
Để đưa ra mức đề xuất mức tiền lương tối thiểu năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dựa vào một số dự báo.
Đó là chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm; GDP 6,5%/năm; năng suất lao động tăng khoảng 3 - 3,5%/năm.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên tắc xác định mức điều chỉnh là căn cứ vào điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.
Tăng thêm ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Tuy vậy, “lộ trình tăng mức lương tối thiểu phải tránh gây đột biến về chi phí của doanh nghiệp. Phải bù đủ trượt giá (dự kiến 5%/năm), tăng theo mức tăng năng suất lao động khoảng 3 - 3,5%/năm để cải thiện tiền lương của người lao động”, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Theo Tổng liên đoàn, tỷ lệ tăng tiền lương tối thiểu bình quân các vùng năm 2015 là 14,3% so với năm 2014, nhưng tỷ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của người lao động trong các doanh nghiệp chỉ khoảng 12%.
Đáp ứng ba điều kiện
Khảo sát của Tổng liên đoàn tại 60 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là FDI có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài, đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh.
Đưa ra ý kiến về lộ trình tăng lương tối thiểu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lộ trình tăng lương tối thiểu phải đáp ứng 3 điều kiện: bù đắp được lạm phát (4-5%), căn cứ vào tỷ lệ tăng năng suất lao động hàng năm (khoảng 3%/năm) và phải bù đắp, rút ngắn khoảng cách tiền lương và mức sống tối thiểu.
Theo ông Lộc, nếu tăng lương quá cao thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ mất đi, kéo theo người lao động mất công ăn việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Ngược lại, nếu mức tăng quá thấp, người lao động không thể sống được thì cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển.
Dự kiến vào tuần cuối cùng của tháng 7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia - gồm đại diện ba bên: phía Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện cho phía sử dụng lao động là VCCI và đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, nhằm kịp thời trình Chính phủ vào tháng 10 tới.