11/2/2015 8:20:21 AM

Trung Quốc không còn được xem là "công xưởng" chính của thế giới. Một số tập đoàn thậm chí tính tới phương án chuyển đại bản doanh sản xuất toàn cầu về Việt Nam. Samsung, LG, Intel,... đổ thêm tiền, hàng loạt DN ngoại khác cũng đang rục rịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Thị trấn công nghệ

Đầu tháng 8/2015, Samsung Vietnam bất ngờ công bố dự án mở rộng trị giá 3 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh, nâng tổng cộng số vốn của tập đoàn này tại "thị trấn công nghệ" của Việt Nam lên 7,5 tỷ USD. Như vậy, với hai tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Việt Nam đang là trung tâm sản xuất lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Hơn 30% điện thoại của tập đoàn này được sản xuất tại đây.

Tổng số tiền cam kết đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã lên tới hơn 14 tỷ USD và tập đoàn này đang sử dụng dụng hơn 110 ngàn lao động trong nước. Doanh thu tới cuối 2014 của Samsung Việt Nam là 26,3 tỷ USD, dự kiến lên tới 30 tỷ USD đến cuối 2015.

Theo Wall Street Journal, hàng loạt các DN dệt may, dệt và sợi nước ngoài đang dồn về Việt Nam, tìm kiếm các địa tốt để mở nhà máy sản xuất hàng hóa, nhằm sớm tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tận dụng lực lượng lao động trẻ và chi phí thấp. Hàng loạt địa phương như Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên,... đã và đang được các NĐT ngoại khảo sát để đầu tư.

Hội nhập, công nghiệp, Samsung, Intel, LG, TPP, AEC, thị-trường, cạnh-tranh, chế-biến, chế-tạo, lao-động, chuỗi-giá-trị, công-nghiệp, Nguyễn-Thiện-Nhân, Nguyễn-Văn-Bình, thống-đốc, WB, ưu-đãi

Ngoài ra, nhiều tập đoàn đã rót nguồn vốn lớn vào Việt Nam như Huyndai, LG, Intel, Nokia - Microsoft, Canon, Sony, Posco, Doosan, Kumho Asiana,... Trong đó, một số tập đoàn thậm chí tính tới phương án chuyển đại bản doanh sản xuất toàn cầu về Việt Nam.

Tháng 3/2015, LG bỏ 1,5 tỷ USD làm nhà máy mới tại Hải Phòng, chuyên sản xuất, lắp ráp TV, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi,... cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Tháng 5 vừa qua, Intel cũng quyết định chuyển một số khâu sản xuất từ nhà máy Kulim tại Malaysia sang TP.HCM, Việt Nam và Trung Quốc để tiết kiệm chi phí nhân công.

Hầu hết các hãng sản xuất điện tử lớn từ Nhật, Mỹ cho tới Hàn Quốc đều đã có mặt tại Việt Nam và xu hướng này là cơ sở cho mục tiêu nhắm tới ngôi vị số một trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của Việt Nam tại ASEAN.

Chưa giàu đã già?

Chủ trì một hội nghị về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, đề nghị cần phải làm rõ thêm chúng ta cần có tiền đề gì để hướng đến xu thế phát triển này, và nhu cầu dịch chuyển trung tâm chế tạo của thế giới ra sao để có thể đón đầu cơ hội? Và nếu sự chuyển dịch là tất yếu trong 20-30 năm tới, Việt Nam có điều kiện gì, gặp khó khăn gì? Lợi thế chi phí lao động thấp của Việt Nam còn bao lâu nữa? Phải làm gì để nắm bắt được cơ hội này,...

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bày tỏ thái độ lạc quan khi công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được sự quan tâm từ các DN, nhất là khối FDI. Theo đó, tỷ trọng FDI vào lĩnh vực này tăng từ 50% năm 2011 lên 72% vào 2014.

Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, cũng chia sẻ về xu hướng tỷ trọng FDI vào chế biến, chế tạo tăng nhanh trong 10 năm qua và cho rằng, Việt Nam có lợi thế nhờ gần chuỗi sản xuất toàn cầu, lao động dồi dào, chi phí thấp, quy mô thị trường lớn và hội nhập mạnh mẽ,...

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư cho thấy Trung Quốc không còn được xem là "công xưởng" chính của thế giới. Trong khi đó, vốn từ Nhật Bản cũng chuyển mạnh vào Việt Nam, với 60% DN Nhật được khảo sát cho hay sẽ đầu tư sang Việt Nam trong 2015 và các năm tiếp theo.

Về nguồn vốn trong nước, Thống đốc Bình cho biết sẽ duy trì chính sách tín dụng ưu đãi đối với các DN được Chính phủ ưu tiên phát triển, như xem xét ưu đãi về lãi vay, tài sản đảm bảo và tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức tài chính quốc tế.

PGS.TS Tạ Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân, kiến nghị nên mở ra 2 quỹ: hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi đối với các DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo; và quỹ đầu tư mạo hiểm để đổi mới công nghệ cho DN.

Các tín hiệu và yếu tố thuận lợi là khá rõ ràng, song vẫn còn nhiều lo ngại, như: ngành chế biến, chế tạo vẫn chưa có sự phát triển đồng đều; đóng góp chủ yếu vấn đến từ khối FDI, DN nội còn khó khăn; chưa có đột phá về thể chế, chiến lược; lợi thế về lao động suy giảm, nguy cơ Việt Nam chưa giàu đã già; có thể mắc bẫy thu nhập trung bình thấp,...

VEF  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.