Mở đầu câu chuyện với các doanh nghiệp nước chủ nhà, Thủ tướng nói Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng: "Người dân cả hai nước hàng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ, cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp.
Mùa xuân Việt có hoa đào và giữa tháng 4/2016, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tổ chức tại hơn 10 tỉnh của VN được người dân chúng tôi vui mừng chào đón. Cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã từng nói tình bằng hữu Việt - Nhật được xây đắp từ những tương đồng cùng chung nhịp đập trái tim".
Thủ tướng chia sẻ kế hoạch thăm Đền Ise Shima để tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản.
Thủ tướng thông báo những điểm minh chứng cho việc quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất: Nhật là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho VN, là đối tác đầu tư lớn thứ hai với hơn 3 nghìn dự án, tổng vốn trên 39 tỷ USD, là đối tác thương mại lớn thứ 4 với cán cân thương mại cân bằng.
Hai nước đang triển khai ”Chiến lược công nghiệp hóa của VN trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Năm 2015 có trên 855 nghìn lượt người hai nước đi thăm lẫn nhau, trên 15 nghìn du học sinh VN sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản.
Thủ tướng cũng cho biết năm 2015, VN duy trì mức tăng trưởng gần 6,7%, GDP bình quân đầu người hơn 2.100 USD.
"VN là nền kinh tế mở với quy mô thương mại lớn hơn Indonesia, Phillippines và đang tiệm cận mức của Malaysia, Thái Lan", Thủ tướng giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật. "VN đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế".
Nhân đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về quyết tâm xây dựng "Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp" với các trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế; Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch;
Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị; Phát triển nhân lực được coi là một khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khuyến khích tinh thần “khởi nghiệp”.
"Về thương mại, với việc triển khai Hiệp định TPP, chúng ta hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 60 tỷ USD vào năm 2020. VN hoan nghênh Nhật mở cửa thị trường cho trái cây Việt như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện Made in Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật. Người Việt ưa chuộng hàng hóa Made in Japan, chúng tôi sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật", Thủ tướng nói.Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Nhật đầu tư vào VN nhất là công nghiệp, hạ tầng... cũng như tăng cường du lịch giữa hai nước bằng các khả năng mở thêm các đường bay thẳng và Nhật đơn giản hoá thủ tục visa cho khách Việt.
Nhắc lại lời của Thủ tướng Shinzo Abe rằng Việt – Nhật "chia sẻ thử thách giống nhau trong lúc hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Trong ngày 27/5, Thủ tướng dự Hội nghị G7 mở rộng với lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển và các quốc gia, tổ chức khách mời.