Ngày 27/5, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD), Bộ NN&PTNT phối hợp với Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị “Triển vọng ngành nông nghiệp 2016” với sự tham gia của khoảng 200 khách mời là các cơ quan quản lý, đại diện tổ chức nghiên cứu, DN và chuyên gia trong, ngoài nước tham dự.
Hội nghị bao gồm một phiên chung trình bày bao quát về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2015 và triển vọng năm 2016, đưa ra những dự đoán về triển vọng thị trường nông sản Việt Nam; ba phiên sau trình bày về triển vọng thị trường đối với ba mặt hàng nông sản chính là: Lúa gạo, chăn nuôi và thủy sản.
Theo đánh giá của IPSARD, năm 2015, ngành nông nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn khi chịu tác động của thời tiết lẫn yếu tố thị trường khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính suy giảm mạnh.
TS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Ipsard) cho biết, theo dự báo của Ipsard, hạn hán, xâm nhập mặn, làm sụt giảm sản lượng các mặt hàng chính như: Gạo, cao su, cà phê, điều này gây tác động xấu đến bức tranh chung về xuất khẩu.
Về giá cả, sau hơn hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của El Nino, sản lượng lúa gạo của nhiều nước trong đó có Việt Nam và Thái Lan suy giảm trong khi nhu cầu dự trữ của Trung Quốc vẫn rất lớn sẽ khiến giá gạo tăng lên trong năm 2016. Ngoài ra, giá cao su cũng đang có xu hướng tăng trong năm 2016 do giá dầu tăng. Giá tôm và một số mặt hàng thủy sản dự báo sẽ có xu hướng đi ngang.
Tuy nhiên, giá hồ tiêu có xu hướng đi xuống trong năm 2016 do lượng tồn kho hồ tiêu hiện còn rất lớn, trong khi diện tích sản xuất hồ tiêu những năm gần đây tăng ồ ạt, gây dư cung, giảm giá. Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu đã cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu có thể khiến họ chuyển sang mua tiêu của Brazil.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá, năm 2016, các thị trường có dấu hiệu phục hồi lại nhưng chỉ tăng nhẹ bởi một số sản phẩm nông nghiệp thời gian qua giá đã xuống đáy.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong ngắn hạn phải khắc phục được những tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, kiểm soát tốt dịch bệnh để thúc đẩy nguồn cung, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nguồn cầu tốt hơn. Trong trung và dài hạn là phải tái cơ cấu các ngành hàng, trong đó có việc rất quan trọng là đưa được những nhân tố mới vào trong quá trình sản xuất và phải thu hút được doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp.
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có những điểm thuận lợi tuy nhiên cũng gặp không ít các thách thức trong việc cạnh tranh với nông sản hàng hóa xuất khẩu cũng như ngay tại thị trường nội địa. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này rất cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, nhất là trong các lĩnh vực lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu phát triển, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nông sản và lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.