Theo đó, đại hội nhất trí số lượng thành viên Hội đồng quản trị 5 người gồm ông Phạm Trung Lâm (tổng giám đốc Anco, đại diện 14% cổ phần cho Anco tại Vissan), ông Nguyễn Ngọc An (phó tổng giám đốc Vissan), ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Vissan), ông Nguyễn Phúc Khoa (phó tổng giám đốc Satra), ông Trần Ngọc Đăng (phó giám đốc Tài chính kế toán Satra).
Trong đó, ông Phạm Trung Lâm - tổng giám đốc Anco (70% cổ phần của Masan) - có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất.
Hội đồng quản trị cũng đã thống nhất bầu ông Nguyễn Phúc Khoa, làm chủ tịch hội đồng quản trị và ông Văn Đức Mười giữ chức tổng giám đốc Vissan.
Một nhân sự khác của tập đoàn Masan cũng tham gia vào Ban kiểm soát của Công ty cổ phần Vissan cùng hai thành viên đến từ công ty Vissan và Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra).
Vissan dự kiến chi trả thù lao cho Hội đồng quản trị và thư ký 210 triệu đồng, ban kiểm soát 91 triệu đồng cho thời gian từ tháng 6 đến tháng 12-2016.
Theo tờ trình tại đại hội, tháng 6-2016 công ty sẽ làm thủ tục đăng ký kinh doanh và xin cấp dấu mới, tiến hành in sổ chứng nhận sở hữu cổ phần. Tháng 7-2016, công ty thực hiện chuyển giao số liệu từ công ty TNHH sang công ty cổ phần.
Cũng trong tháng này, công ty sẽ tổ chức ra mắt công ty cổ phần, đăng báo theo quy định.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan cho biết 3 năm đầu sau khi cổ phần hóa, lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ giảm nhẹ so với các năm trước do chi phí hoạt động tăng theo doanh thu.
Đặc biệt lợi nhuận sau thuế năm 2019, 2020 sẽ giảm mạnh do trong các năm này cụm nhà máy chế biến ở Long An dự kiến đi vào hoạt động khiến chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tăng.
Việc đưa vào hoạt động cụm nhà máy chế biến sẽ giúp Vissan tăng năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Dự kiến, nhà máy chế biến Long An sẽ khởi công cuối năm 2016 với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, trong đó vốn tự có dự trù khoảng 30%.
Ông Mười cũng nhấn mạnh định hướng của Vissan trong xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là không tập trung quá nhiều vào phát triển vùng chăn nuôi heo chất lượng cao mà đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới và phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm Vissan. Đặc biệt các điểm bán thịt tươi sống.
Đến năm 2020, việc cung ứng nguyên liệu heo cũng sẽ chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của công ty so với mức 5% hiện nay. Do đó, liên kết với các đối tác có năng lực phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vissan mới là mục tiêu chính.
Ngoài ra, Vissan cũng sẽ cân nhắc kế hoạch xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc để tiết kiệm nguồn lực phát triển của doanh nghiệp.