Tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), Tập đoàn Lộc Trời hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đây, Lộc Trời chủ yếu sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hoặc phần nào là giống cây trồng. Tuy vậy, cơn sốt lúa gạo những năm 2008 cùng những nhận định về nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật có khả năng tăng trưởng chậm lại đã thôi thúc Lộc Trời tham gia vào thị trường lúa gạo đầy tiềm năng.
Từ năm 2010, Lộc Trời đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn khắp vùng đồng bằng Sông Cửu Long và tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo. Suốt vụ sản xuất, nông dân được Lộc Trời cung ứng giống, vật tư nông nghiệp. Cán bộ kỹ thuật của Lộc Trời cũng trực tiếp xuống đồng, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác cho nông dân (3 cùng). Sau khi thu hoạch, gạo sẽ được các nhà máy của Lộc Trời tiếp tục chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.
Có thể thấy, Lộc Trời đã có bước đi chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp với việc hoàn thiện chuỗi khép kín từ cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật cho đến thu mua và chế biến xuất khẩu gạo.
Năm 2011, thời điểm mới “chân ướt chân ráo” kinh doanh lúa gạo, doanh thu từ sản phẩm này chỉ đạt 91 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chưa đến 2% trong tổng doanh thu toàn tập đoàn. Tuy vậy, đến năm 2015, lúa gạo đã mang về 2.915 tỷ đồng doanh thu, tương đương 36% tổng doanh thu của Lộc Trời.
Không chỉ tăng mạnh về doanh thu mà biên lợi nhuận cũng tăng đáng kể. Nếu như trong những năm đầu, hoạt động kinh doanh gạo của Lộc Trời gần như không có lợi nhuận và thậm chí còn thua lỗ thì đến năm 2015, lãi gộp từ kinh doanh lúa gạo đã lên tới 235 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 8,1%. Rõ ràng, những năm tháng miệt mài đầu tư đang dần mang lại “trái ngọt” cho Lộc Trời.
Thuốc bảo vệ thực vật đang dần đánh mất thị phần?
Thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm truyền thống, mang lại doanh thu lớn nhất cho Lộc Trời. Không những vậy, hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng mang lại tỷ suất lãi gộp cao khá cao với trên 30%.
Khi tiến vào lĩnh vực lúa gạo, Lộc Trời không chỉ nhận ra tiềm năng với mảng kinh doanh này mà còn là cơ hội tận dụng thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật của mình trong chuỗi cung ứng. Tuy vậy, trên thực tế, dù có lợi thế lâu năm trong ngành cùng đầu ra sản phẩm ổn định nhưng mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời lại đang có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh.
Năm 2011, riêng mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về cho Lộc Trời doanh thu 4.529 tỷ đồng, tương đương 87% tổng doanh thu tập đoàn. Sang năm 2012, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật đã tăng lên 5.468 tỷ đồng nhưng chỉ còn chiếm tỷ trọng 81% trong tổng doanh thu do lúa gạo đã dần thể hiện vai trò.
Tuy vậy, những số liệu được công bố năm 2015 đã thực sự cho thấy sự “lao dốc” của mảng thuốc bảo vệ thực vật khi doanh thu từ mảng kinh doanh này chỉ còn 4.170 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với 3 năm trước đó và chỉ còn chiếm một nửa doanh thu toàn tập đoàn.
Những năm vừa qua, diện tích đất nông nghiệp có xu hướng thu hẹp dần và mùa vụ có phần thuận lợi, ít sâu bệnh hơn khiến nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chững lại.
Tuy nhiên, đây khó có thể coi là lý do chính khiến doanh thu thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời giảm mạnh như vậy, nhất là khi các đối thủ cạnh tranh như CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) hay Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) vẫn tăng trưởng ổn định trong những năm qua.
Hiện tại, Lộc Trời vẫn là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong ngành kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhưng nếu tình trạng sụt giảm vẫn cứ tiếp diễn thì đây thực sự là cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh sẽ giành lấy miếng bánh béo bở này từ tay Lộc Trời.