Kinh tế thế giới chìm sâu vào khủng hoảng
Trong 3 tháng đầu năm 2009, Mỹ đã đóng cửa 17 ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 2 tăng 8,1%, đây là mức cao nhất trong 25 năm qua. Theo các dự đoán mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì nền kinh tế Mỹ và thế giới sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2009. Đặc biệt hậu quả mà nó gây ra cho nền kinh tế các nước còn lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ. Kinh tế Nhật đang suy thoái ở mức tệ hại nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay. Châu Âu suy thoái nặng, nhiều nền kinh tế Đông Âu đang đứng trước nguy cơ phá sản "cấp quốc gia".
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù tháng 1 có xuất siêu do xuất khẩu vàng, gạo tăng mạnh nhưng một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, dầu thô, giày dép, dây cáp điện và cao su vẫn đang trên đà suy giảm mạnh. Tuy nhiên theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế thì Việt Nam là nước ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu so với các nước phát triển và khu vực. Theo dự báo mới đây của Tập đoàn HSBC, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sẽ là 4 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2009. Bên cạnh sự suy giảm của vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu thì các yếu tố đầu tư hạ tầng, chú trọng thị trường nội địa, tăng cường tín dụng tiêu dùng dân cư và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là những yếu tố để bù đắp. Do vậy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo vẫn đạt trong khoảng từ 4% - 6%, và được đánh giá tốt so với tốc độ phát triển của các nước khu vực.
TTCK khó có cơ hội kiếm lợi cao trong năm 2009
Cùng với sự suy thoái của kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế Việt Nam, những nhân tố tích cực hỗ trợ TTCK ở thời điểm hiện tại là không nhiều. Do vậy khó có thể kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh và mạnh của thị trường. Trong cuối quý 1, VN-Index chuyển biến theo hình răng cưa có xu hướng nhích lên chỉ đủ giúp tâm lý ổn định cho nhà đầu tư về niềm tin thị trường không thể tụt dốc. Khó có cơ hội cho đầu cơ lướt sóng thu lợi cao trong giai đoạn này. Mặt khác, cơ hội đầu tư giá trị tìm kiếm lợi nhuận cao sau 1 - 2 năm khi nền kinh tế phục hồi vẫn là ẩn số chưa rõ ràng so với thị trường các nước phát triển như Mỹ do những yếu tố hợp lực cho sự phát triển bền vững của TTCK chưa được chuẩn bị tích cực từ quản trị doanh nghiệp, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho đến chính sách vĩ mô về phát triển thị trường vốn.
Tuy nhiên với dự báo nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá và sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn 2009 sẽ là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2010. Do vậy với giá cổ phiếu thấp trong giai đoạn hiện nay là cơ hội để tuyển chọn những cổ phiếu của các doanh nghiệp được quản trị tốt để thu hoạch lợi nhuận cao sau một thời gian nắm giữ so với lãi suất ngân hàng.
Thị trường BĐS chỉ có thể nhắm tới cơ hội sau 2 - 3 năm nữa
Trong quý 1/2009 cùng với giá đền bù sát với giá thị trường và nguồn vốn đền bù khá lớn vào khu Thủ Thiêm (TP.HCM) đã là động lực quan trọng hích thị trường BĐS sau một thời gian đóng băng dài. Nó vừa giúp cung một lượng tiền lớn vào khu vực BĐS vừa gián tiếp tạo niềm tin giá BĐS hiện tại khó có thể giảm nữa. Điều này đã giải tỏa tâm lý của các nhà đầu tư đang có nguồn tiền và ý định đầu tư BĐS, khiến họ không còn chần chờ giá xuống. Kết quả là giá BĐS ở khu vực Q.2 đã tăng kéo theo các khu vực khác. Tuy nhiên nếu nhìn toàn cục thì giá BĐS vẫn còn khá cao so với sức mua và khả năng sinh lời từ khai thác (cho thuê). Ngoài ra với lượng cung đã chuẩn bị thì cần một lượng vốn rất lớn mới có khả năng tiêu thụ nổi, trong khi nguồn vốn vẫn còn hạn chế do yếu tố suy thoái toàn cầu, chưa thể thu hút vốn từ nước ngoài vào mạnh trong lĩnh vực này. Do vậy dự đoán thị trường BĐS chỉ có thể tăng nhẹ cục bộ tại những khu đang hoàn tất hạ tầng giao thông hoặc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như quận 2, quận 9, còn nhìn chung năm 2009 vẫn là năm khó khăn, tính thanh khoản yếu, khả năng đầu tư thu lợi là thấp.