Sự quan tâm đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam thể hiện rõ hơn, khi tại Hội nghị Cơ hội đầu tư vào các nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) tổ chức tại Coimbatore, thành phố dệt may lớn nhất khu vực miền Nam của Ấn Độ mới đây, hơn 70 tập đoàn, doanh nghiệp dệt, sợi lớn của nước này đã trực tiếp tìm kiếm thông tin, gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư khu công nghiệp Việt Nam…
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, quy mô tăng mạnh, đóng góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, do sản xuất trong nước còn hạn chế, nên nguyên liệu còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có nhập khẩu sợi, vải từ Ấn Độ.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang tính toán để tham gia đầu tư vào các chuỗi sản xuất và cung ứng dệt may tại Việt Nam
“Việt Nam là thành viên TTP, với quy định rất nghiêm ngặt về xuất xứ “từ sợi trở đi”, Việt Nam cần phải chuyển mạnh sang sản xuất nguyên liệu trong nước. Khoảng trống thiếu hụt nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam chính là cơ hội cho các tập đoàn dệt may Ấn Độ tham gia đầu tư, hoàn thiện chuỗi tại Việt Nam”, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh.
Ấn Độ là nhà sản xuất các sản phẩm cotton, lụa, vải xenlulo và sợi cotton lớn thứ hai thế giới. Sản lượng của ngành công nghiệp dệt may nước này khoảng 100 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu xơ, sợi, vải… từ Ấn Độ trị giá khoảng 550 triệu USD.
Gần một nửa trong tổng số 70 tập đoàn, doanh nghiệp dệt may lớn của Ấn Độ, trong đó có Laxmi Group, The Kurd and Mills Group, Elgi Equipments, KG Denim, K.P.R. Mill, Premier Mills Private.. có mặt tại Hội nghị Cơ hội đầu tư vào các nước CLMV cho biết, họ đang tính toán để tham gia đầu tư vào các chuỗi sản xuất và cung ứng dệt may tại Việt Nam.
Được biết, các nhà đầu tư Ấn Độ nếu đầu tư vào Việt Nam tại thời điểm này sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Ấn Độ (Exim Bank). Chính phủ nước này đang triển khai gói hỗ trợ trị giá 100 triệu USD cho các công ty trong nước đầu tư vào các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, với trọng tâm là lĩnh vực dệt may tại Việt Nam.
Sự quan tâm của các doanh nghiệp Ấn Độ đối với ngành dệt may đã được thể hiện thông qua nhiều chuyến đi khảo sát đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong năm 2015 có gần chục đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam để bàn việc đầu tư nhà máy, nhằm khai thác lợi thế về thị trường, ưu đãi thuế về 0% khi TPP có hiệu lực.
Ông Mukal Sarkar, Tổng giám đốc Exim Bank chia sẻ, qua chuyến khảo sát mới đây tại các nước CLMV, Exim Bank cùng các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, với những điều kiện thuận lợi như cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, nguồn nhân lực dồi dào và rẻ, Chính phủ có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư, môi trường xã hội ổn định và thân thiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng, trong khi Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung bông, vải nhập khẩu, thì sự xuất hiện của các nhà đầu tư Ấn Độ luôn được ngành chào đón nhằm phát triển mạnh nguồn cung nguyên liệu tại chỗ, giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một vài thị trường.
“Xuất khẩu hay nhập khẩu, nếu phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường sẽ rất khó khăn cho ngành, như dễ lâm tình trạng trở tay không kịp khi có biến cố, dễ bị ép giá…”, ông Sơn nói.
Số liệu từ Vitas cho thấy, năm 2015, chi ngoại tệ để nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may (bông, xơ sơi, vải…) đã lên tới 16 tỷ USD, trong đó, riêng vải chiếm hơn 10 tỷ USD. Do vậy, sẽ vô cùng giá trị, nếu các nhà đầu tư nước ngoài đem vốn đến Việt Nam phát triển những khâu còn yếu của ngành dệt may trong nước.