Ðiện hạt nhân (ÐHN) đã có lịch sử hơn 50 năm. Mặc dù có nhiều luồng dư luận trái ngược nhưng ÐHN vẫn luôn được khẳng định là nguồn điện năng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế (chi phí nhiên liệu thấp, giá thành điện thương phẩm rẻ, số giờ vận hành cao hơn, chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp…), mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu. Nhà máy điện nguyên tử (NMÐNT) không phát thải các chất độc hại gây ra hiệu ứng nhà kính… như các nhà máy điện sử dụng các nguyên, nhiên liệu truyền thống (than, dầu, khí). Chất thải vào môi trường gần như duy nhất là hơi nước. Ở nhiều nước, các NMÐNT có thể xây dựng gần khu dân cư. Các chất phóng xạ của chúng được khống chế an toàn trong các bức tường bê tông dày hàng mét. Còn về các bãi thải phóng xạ, theo những ràng buộc thương mại và an ninh quốc tế, các nhà cung cấp nhiên liệu sẽ thu hồi lại các thanh nhiên liệu đã cháy để tách triết những chất quý giá. “Những viên than hồng” - nhiên liệu vẫn còn âm ỉ toả năng lượng trong nhiều năm, có thể sử dụng vào những quy trình công nghệ bức xạ có ích; và nếu chưa có điều kiện khai thác, người ta có thể chôn chúng một cách an toàn trong các “nghĩa địa” chất thải phóng xạ. Việc xây dựng NMÐNT cũng không gây ra tác động lớn đến môi trường, môi sinh như các nhà máy nhiệt điện.
Ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết: Các lò phản ứng thương mại hiện nay đã đạt đến độ an toàn rất cao và công nghệ lò phản ứng càng ngày càng được cải tiến, thời gian xây dựng được rút ngắn và tăng khả năng cạnh tranh kinh tế... Tại Việt Nam, lò phản ứng hạt nhân Ðà Lạt hoạt động an toàn trong hơn 20 năm qua đã khẳng định được sự an toàn về kỹ thuật cũng như trình độ của đội ngũ cán bộ Việt Nam trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng lò phản ứng hạt nhân - một mô hình thu nhỏ của nhà máy ÐHN. Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ nhà máy ÐHN còn phải được sự phê chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và nhiều tổ chức hữu quan khác. Trong đó, vấn đề luật an toàn hạt nhân, các quy phạm vận hành nhà máy ÐHN, cũng như việc đảm bảo an toàn của nhà máy phải được xác nhận và phê chuẩn là một trong điều kiện tiên quyết.
Luật Năng lượng nguyên tử của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 chính là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động liên quan đến năng lượng nguyên tử. Bởi vậy, dự án nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam cũng phải tuân thủ theo các quy định chung của quốc tế và Việt Nam, nên vấn đề an toàn, môi trường và chuyển giao công nghệ luôn được đảm bảo một cách nghiêm ngặt.
Dự án NMÐNT đang được thực hiện ở những bước đầu. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã dần hiểu được hiệu quả mà NMÐNT mang lại, cũng như yên tâm về vấn đề an toàn, môi trường của nhà máy. Theo ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo của EVN (NRPB), hầu hết người dân tại địa phương – nơi dự kiến xây dựng NMÐNT đầu tiên đều đồng ý với việc cần thiết phải xây dựng NMÐNT. Quan điểm của họ là: Nhà máy điện nguyên tử an toàn, kinh tế và thân thiện với môi trường. Có được sự đồng thuận này là đảm bảo được một phần thành công của dự án./.