Gần 150 tỷ USD vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp của Việt Nam / Ôtô ngoại giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam
Trong buổi họp báo chiều nay sau chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Takehiko Nakao nhận định nền kinh tế đang ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát đã giảm, tốc độ tăng trưởng tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào mạnh và tỷ giá cũng đã được bình ổn.
ADB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% năm nay, tương đương năm ngoái. Tốc độ này khá cao trong khu vực và so với trung bình các nước đang phát triển tại châu Á (5,7%). Sang năm 2017, con số này còn 6,5%. Trong khi đó, lạm phát năm nay được dự báo 3%, cao hơn khá nhiều so với 0,6% năm ngoái.
Ông Nakao cho biết ADB cam kết cho Chính phủ Việt Nam vay khoảng một tỷ USD một năm, đồng thời tăng cường cho vay lĩnh vực tư nhân. Bằng cách này, nợ công trên GDP sẽ không vượt 65%. ADB đã thực hiện cho vay tư nhân tại một số nước, như Trung Quốc hay Myanmar.
Tổ chức này sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết nợ xấu, cải tổ hệ thống tài chính. Vốn vay từ ADB cũng sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng truyền tải và phân phối điện, phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu…
Dù vậy, ông Nakao cũng cảnh báo: "Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần theo đuổi chính sách kinh tế phù hợp và cải tổ cấu trúc sâu rộng hơn. Doanh nghiệp quốc doanh cần được cải tổ bằng cách giảm sở hữu Nhà nước, cải thiện khả năng quản trị và tăng cường tài chính. Chính phủ cũng cần giải quyết nợ xấu, tăng nguồn thu từ thuế và hiệu quả chi tiêu công".
Môi trường bên ngoài cũng còn nhiều thách thức, đe dọa đến kinh tế Việt Nam. Điển hình là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các điều kiện thời tiết cực đoan, như lũ lụt, sạt lở hạn hán hay xâm nhập mặn. Ông Nakao cho rằng Việt Nam cần phát triển tiêu dùng nội địa, để tránh lệ thuộc vào yếu tố bên ngoài. ADB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ và chống chịu các tác động từ biến đổi khí hậu.
Khi được hỏi về ảnh hưởng đến Việt Nam nếu người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), ông Nakao cho biết rất nhiều tổ chức đã đánh giá về nguy cơ này, và ông không muốn nói chi tiết. Theo ông, Anh rời EU sẽ gây xáo trộn thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, các tác động sẽ chủ yếu rơi vào Anh, EU và những nước có quan hệ mật thiết với họ.
Ông cũng đánh giá nợ công Việt Nam tuy tăng, phần nợ nước ngoài vẫn khá ổn định trong 5 năm qua, và phần tăng chủ yếu là do nợ trong nước. Để giải quyết việc này, họ có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải thiện chi tiêu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính và công tác thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tìm nguồn vốn vay chi phí thấp và đa dạng hóa nguồn vốn.
Ông cho biết năm 2016-2017, nợ đáo hạn của Việt Nam với ADB vào khoảng 400 triệu USD. Giải ngân năm nay là 0,8-1 tỷ USD. Như vậy, vay ròng sẽ vào khoảng 400-600 triệu USD.