Ý tưởng... không khả thi
Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tìm được vốn đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp huy động được vốn, Chính phủ đang thúc đẩy thành lập sàn giao dịch chứng khoán dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ý tưởng này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Dù vậy, vẫn còn nhiều lo ngại xung quanh ý tưởng này.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, ý tưởng thành lập một sàn giao dịch chứng khoán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp là ý tưởng tốt. Ở Hàn Quốc cũng có một sàn giao dịch tương tự và hoạt động khá thành công, có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng ý tưởng này là không khả thi vì doanh nghiệp khởi nghiệp luôn thiếu thông tin và thường lỗ trong 5 năm đầu nên các nhà đầu tư không mặn mà.
“Khi tham gia vào một sàn chứng khoán, để có thể mời gọi các nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nghiệp khởi nghiệp đó phải có báo cáo tài chính hay báo cáo về hoạt động kinh doanh rất rõ ràng, minh bạch. Trong khi các startup luôn thiếu những thông tin đó. Chưa kể đến sức khỏe tài chính của họ rất yếu, vốn thì thiếu, thông tin về sản phẩm giới hạn”, ông Hiếu phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, một trong những điều khiến nhà đầu tư quan tâm là khả năng tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, có đến 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong 3 đến 5 năm đầu, chỉ có một số rất nhỏ những doanh nghiệp sau 3 đến 5 năm đạt được điểm hòa vốn mới có thể tồn tại được. Chính vì vậy, các nhà đầu tư rất ngần ngại để tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Thông tin ít, thua lỗ nhiều, các doanh nghiệp khởi nghiệp khó có thể lên sàn giao dịch chứng khoán được", ông Hiếu khẳng định.
Theo chuyên gia này, từ trước tới nay ông chưa từng thấy quốc gia nào có sàn giao dịch chứng khoán cho doanh nghiệp khởi nghiệp ngoài Hàn Quốc, kể cả các nước phát triển như Mỹ, châu Âu cũng chưa từng có.
Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nên thành lập một trung tâm giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nơi các nhà khởi nghiệp đến trao đổi với nhau, trao đổi với các nhà đầu tư, với các ngân hàng thì phù hợp hơn sàn giao dịch chứng khoán.
Startup Việt đối mặt với quá nhiều rào cản
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn khi hoạt động ở Việt Nam.
“Ý tưởng sáng tạo là mồi lửa đầu tiên cho một doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng để bảo vệ ý tưởng sáng tạo thì ở Việt Nam còn thiếu sót vô cùng. Chỉ cần ló ra một ý tưởng nào đó thì có thể bị ăn cắp ngay. Và luật pháp chưa đủ bảo vệ những sản phẩm trí tuệ như vậy”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, các startup vẫn còn gặp nhiều trở ngại liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, các luật lệ chồng chéo lên nhau.
“Chính tôi chỉ đi xin một giấy thị thực tạm trú cho người nước ngoài đã khó rồi, chứ đừng nói đến việc đi làm thủ tục để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam. Những điều này trở thành rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Hiếu lo ngại.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia này cho rằng cần phải có một hệ thống hành chính thông thoáng hơn, không quá rườm ra, kềnh càng, nhất là không có thông lệ xin cho.
Về mặt cơ chế, cách đơn giản là nên có một trung tâm giao dịch để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể trao đổi với các nhà đầu tư, các ngân hàng thay vì thành lập sàn giao dịch chứng khoán vốn đã phức tạp và đòi hỏi cao về thông tin doanh nghiệp.