Tại cuộc họp báo chuyên đề chiều ngày 20/6, Bộ Tài chính cho biết đã triển khai Quyết định số 1134/QĐ-BTC ngày 23/05/2016 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP.
Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị bám sát mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-CP gồm các nhóm chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế: Hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15% đến hết năm 2016...
Kế hoạch của Bộ Tài chính cụ thể hóa các nhiệm vụ thành 73 giải pháp và 118 sản phẩm đầu ra. Các nhiệm vụ và giải pháp được lãnh đạo Bộ phân công rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, quy định cụ thể tiến độ hoàn thành.
Cụ thể, trong lĩnh vực hải quan, các nhiệm vụ được cụ thể hóa thành 39 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra. Còn trong lĩnh vực thuế, các nhiệm vụ được cụ thể hóa thành 21 giải pháp.
Ngoài ra, để triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1239/QĐ-BTC.
Trong đó, Bộ Tài chính đưa ra chương trình hành động yêu cầu cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết của Chính phủ, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ Tài chính quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện... Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ bằng 34 giải pháp và 46 sản phẩm đầu ra.
Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, không chỉ đề ra các chương trình cụ thể, lãnh đạo Bộ còn quyết liệt đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thành lập Ban chỉ đạo triển khai các Nghị quyết tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, xây dựng Kế hoạch và lộ trình chi tiết hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu. Định kỳ hằng tháng, các đơn vị phải báo cáo Lãnh đạo Bộ tiến độ thực hiện để kịp chỉ đạo giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính sẽ báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền... Ngoài ra, các đơn vị phải liên tục phối hợp rà soát thực tiễn điều hành để bổ sung kịp thời giải pháp nhằm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ.
Còn về rà soát các điều kiện kinh doanh, ông Ngô Hữu Lợi khẳng định, Bộ Tài chính không đơn thuần nâng từ Thông tư lên Nghị định mà đã có những điều chỉnh lược bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong các Dự thảo Nghị định mới.
Được biết, tính đến ngày 20/5, hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 535.000 doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế qua mạng, đạt 99,59% tổng số doanh nghiệp; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử tiếp nhận là trên 31.600.000 hồ sơ; số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên 492.000 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ 91,58% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong lĩnh vực hải quan, tính đến hết tháng 5 cũng đã có trên 62.505 hồ sơ thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia giảm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực vận tải và logistic đã có trên 2.681 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, với tổng số khoảng 30.300 hồ sơ…