Bên lề Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để hạn chế tình trạng "dự án treo," "quy hoạch treo", cần phải thực thi những quy định pháp luật về kiểm soát tiến độ đầu tư và xử lý nghiêm các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ.
Ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư và giải ngân các dự án trong thời gian qua?
Ông Hoàng Văn Cường: Hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm được đánh giá là có tốc độ giải ngân vốn đầu tư chậm, kể cả giả ngân vốn ngân sách lẫn vốn ODA.
Cũng có ý kiến cho rằng, đây là một trong những lý do khiến tăng trưởng kinh tế chậm và Chính phủ cần suy nghĩ để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.
Tuy nhiên, trong những năm qua, có hàng loạt dự án đầu tư bằng vốn ngân sách mà nó không hiệu quả và như vậy những dự án không hiệu quả này có thể được đánh giá bằng những dự án đã hoàn thành rồi. Nhưng cũng có thể có những dự án đã hoàn thành rồi nhưng không mang lại hiệu quả phát triển kinh tế và đời sống xã hội thì bị coi như đầu tư chưa hiệu quả.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay nợ công đang có nguy cơ vượt trần, tôi cho rằng việc chậm giải ngân bằng vốn ngân sách có lẽ là vấn đề tốt chưa chắc đã đáng lo ngại. Vấn đề quan trọng là trong thời gian tới, việc kiểm soát các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư của Chính phủ cần chặt chẽ hơn.
Bên cạnh việc thực hiện quy trình quản lý, quy trình đánh giá của dự án trước khi ký thì phải đi kèm theo việc quy định rõ trách nhiệm của người đề xuất dự án. Nếu người đề xuất dự án đó nhưng sau này dự án hoạt động không hiệu quả thì bản thân người đề xuất cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo ông, để dẫn đến tình trạng này có phải do việc cấp phép đã được phân cấp về các địa phương hay không?
Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề mà việc phân cấp cấp phép dự án đầu tư cho các địa phương là rất tốt vì khi được giao quyền tự chủ, họ sẽ tự biết lựa chọn cái gì cần thiết để đầu tư và đầu tư cái gì, như thế nào.
Nhưng mấu chốt chính là ở chỗ, cơ chế quản lý quá trình phân cấp đó không tốt. Nếu như chúng ta sợ và không phân cấp cho địa phương, tất cả phải về Chính phủ và các Bộ, ngành thì sẽ càng xảy ra tình trạng đầu tư xa rời thực tế và khi quyết định đầu tư rồi thì không ai giám sát.
Trong thời gian vừa qua đã có nhiều địa phương thu hút bằng cách chạy theo số lượng dự án, tuy nhiên tình trạng này dẫn đến nhiều dự án treo và gây nhiều lãng phí. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc thu hút đầu tư và phần lớn là thu hút từ nguồn vốn xã hội chứ không phải vốn ngân sách. Các địa phương rất cần nguồn lực này và đã tạo điệu kiện thông thoáng để kêu gọi nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có những nhà đầu tư có tiềm lực nhưng cũng có đơn vị đăng ký chỉ để nhận chỗ nên mới xảy ra tình trạng “dự án treo”.
Việc để xảy ra dự án treo mới là vấn đề, chứ thu hút đầu tư là tốt và vấn đề xử lý các dự án treo đều phải có quy định. Ví dụ, sau cấp phép, nếu sau một năm vẫn án binh bất động thì phải xử lý ngay và nghiêm. Khi bắt đầu đầu tư phải có vốn đăng ký và các thủ tục để ra được quyết định đầu tư.
Tôi nghĩ, việc để xảy ra dự án treo là do chúng ta xử lý không quyết liệt, chứ nếu xử lý quyết liệt thì những nhà đầu tư như vậy sẽ hạn chế. Trước khi vào đầu tư, nhà đầu tư đã phải cân nhắc có thực hiện được không, nếu không sẽ chịu thiệt hại lớn cả về uy tín lẫn kinh tế khi phải bỏ vốn vào đó.
Vậy theo ông, giải pháp nào để giải quyết tình trạng các dự án treo này có hiệu quả nhất?
Tôi cho rằng, để hạn chế tình trạng "dự án treo," "quy hoạch treo," cần phải thực thi những quy định pháp luật về kiểm soát tiến độ đầu tư và xử lý nghiêm các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ.
Nếu chúng ta làm cương quyết thì vấn đề "dự án treo" sẽ được giải quyết.