Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng việc cấp phép xây dựng nhà máy xi măng nên dừng lại trước khi quá muộn.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Huynh cho biết Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng rà soát lại công tác cấp giấy phép xây dựng nhà máy xi măng.
Ba nhà máy ở... một thôn
Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hiện có quá nhiều nhà máy sản xuất xi măng, còn theo ông thì sao?
Tôi đồng ý với nhận định đó. Tính tổng công suất các dự án xi măng đã được cấp phép đầu tư trong cả nước đến thời điểm này, nếu tất cả được đưa vào hoạt động thì mỗi năm Việt Nam sản xuất ra khoảng 60 triệu tấn xi măng.
Theo kế hoạch thì đến năm 2011 tất cả các dự án đã cấp phép đầu tư sẽ được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên phần lớn các nhà máy xi măng lại đặt ở miền Bắc nên dẫn đến mất cân đối thị trường.
Sự mất cân đối ở đây chỉ là sự chênh lệch về giá cả vì một lượng lớn xi măng cung cấp cho thị trường miền Nam được vận chuyển từ miền Bắc vào nên đẩy chi phí lên.
Thị trường miền Nam sẽ luôn thiếu xi măng vì khu vực này không có đá vôi, điều kiện để đầu tư thêm nhà máy ở đây bị hạn chế. Trong khi đó thị trường miền Nam lại tiêu thụ khoảng 40% lượng xi măng của cả nước nhưng các nhà máy ở đây chỉ sản xuất được khoảng 10%.
Nói chung thị trường xi măng Việt Nam chỉ thiếu cục bộ ở miền Nam, còn miền Bắc đã dư thừa từ lâu. Vấn đề hiện nay là làm sao đưa được xi măng từ Bắc vào Nam để tạo sự cân đối cho thị trường trong nước.
Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng rà soát lại công tác cấp giấy phép xây dựng nhà máy xi măng. Hiện có nhiều nhà máy đã cấp giấy phép nhưng chưa xây dựng được vì không có vốn, theo tôi nên dừng lại trước khi quá muộn.
Chúng tôi cũng đã rất nhiều lần đề nghị với các cơ quan chức năng không nên cấp giấy phép đầu tư thêm nữa. Đặc biệt là đầu tư ở các vùng như Hà Nam, Ninh Bình... có nơi trong một thôn có tới 3 nhà máy xi măng. Trong khi đó, các nhà máy này không có điều kiện vận tải biển để cung cấp cho thị trường miền Nam.
Dự báo đến năm 2011 thị trường xi măng Việt Nam sẽ dư thừa, theo ông cần làm gì để hạn chế điều này?
Thời gian quan chúng ta quá dễ dãi trong việc cấp phép đầu tư các dự án xi măng mà không có được một quy hoạch ngành sản xuất vật liệu xây dựng chính xác.
Tư nhân đầu tư quá nhiều những nhà máy xi măng công suất nhỏ, thiết bị dây chuyền hạn chế và về lâu dài sẽ không có hiệu quả. Các dự án này suất đầu tư thấp nhưng chất lượng công trình kém, tiêu hao vật chất lớn, rồi cuối cùng là lỗ, không bền vững.
Dây chuyền công nghệ của các nhà máy nhỏ này chỉ hoạt động được hơn 10 năm là hỏng, trong khi những nhà máy hiện đại thì có thể hoạt động đến 50 năm.
Cần dừng việc cấp phép dự án xi măng nhỏ, chỉ nên chấp thuận những dự án hiện đại và đầu tư ở các nơi có điều kiện vận tải thuận lợi xi măng vào thị trường miền Nam.
Ngoài ra, việc Chính phủ yêu cầu phải làm đường giao thông nông thôn bằng bêtông xi măng là biện pháp kích cầu hợp lý.
Cẩn trọng với xi măng sản xuất trên dây chuyền Trung Quốc
Thế còn việc xuất khẩu xi măng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất xi măng nên tính tới điều đó như thế nào, thưa ông?
Khi mà thị trường trong nước đã được đáp ứng đủ thì việc xuất khẩu là điều các doanh nghiệp phải tính tới.
Vừa qua, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được lượng lớn xi măng sang châu Phi, với lô hàng đầu tiên là 12.500 tấn. Tôi được biết tháng 4/2009, Xi măng Cẩm Phả sẽ tiếp tục xuất sang Nam Phi và Trung Đông với khối lượng khoảng 15.000 tấn.
Ngoài ra doanh nghiệp này còn xuất xi măng sang thị trường Nam Phi và vùng lân cận, đã ký hợp đồng khung tiêu thụ sản phẩm clinker và xi măng tại thị trường Mỹ và Nam Mỹ với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm.
Đây là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam, khi đã đến được các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, để có được những hợp đồng xuất khẩu, các nhà máy xi măng phải đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe về công nghệ dây chuyền sản xuất, bảo vệ môi trường... Chúng ta có nhiều nhà máy đáp ứng được yêu cầu này nên hoàn toàn có thể tính đến xuất khẩu.
Một điều cần lưu ý là phần lớn các thị trường trên thế giới không chấp nhận xi măng sản xuất trên dây chuyền của Trung Quốc. Song nhiều nhà máy xi măng tư nhân ở Ninh Bình, Hà Nam lại sử dụng dây chuyền của Trung Quốc, nên việc xuất khẩu là không thể. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần chú ý khi cấp phép đầu tư dự án xi măng.