Theo quy hoạch vùng TPHCM, dự kiến năm 2010, dân số toàn vùng khoảng 20 - 22 triệu người, trong đó có 16 - 17 triệu người sống ở đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa 77 - 80%. Đến năm 2050, dân số toàn vùng là 28 - 30 triệu người, dân số đô thị 25 - 27 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 90%. Tổng diện tích đất xây dựng đô thị 250 - 270 ngàn héc ta, đất cho công nghiệp tập trung 50 - 70 ngàn héc ta.
Vùng TPHCM sẽ không thành lập thêm các khu công nghiệp (KCN) trong vùng trung tâm bán kính 30 km; chuyển đổi tính chất các khu công nghiệp hiện nay thành các khu công nghệ cao, khu công nghiệp sạch.
Đó là một trong những nội dung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng công bố vào chiều 31-3 tại TPHCM.
Vùng TPHCM gồm 8 tỉnh, thành phố là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, với tổng diện tích khoảng 30.000 km2, bán kính ảnh hưởng từ 150 - 200km.
Mục tiêu phát triển vùng nhằm phát huy vai trò, vị thế tiềm năng theo mô hình tập trung đa cực, với TPHCM là đô thị hạt nhân và hướng tới là đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, với vị thế là cửa ngõ giao thương quốc tế và là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, TPHCM sẽ đóng vai trò kết nối các tỉnh, thành trong khu vực với nhau và liên kết hỗ trợ giữa các vùng đô thị để hình thành các vùng đô thị đối trọng với các cực phát triển là các đô thị hạt nhân.
Quy hoạch vùng sẽ là cơ sở để kết nối với các vùng đô thị trung tâm theo các trục hành lang kinh tế đô thị, đồng thời hình thành các dự án chiến lược, từ đó sẽ xây dựng cơ chế kiểm soát phát triển không gian xây dựng toàn vùng.