4/25/2009 11:40:00 AM

Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, lắp ráp nên thâm hụt cán cân thương mại luôn là mối lo thường trực.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, đã có bài viết phân tích tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay để dự báo các kịch bản có khả năng xảy ra cho cả năm 2009 để từ đó tìm cách điều chỉnh tình hình.
 

Tình hình thực về thống kê xuất nhập khẩu

Việc đầu tiên cần làm là xem xét lại các thống kê chính thức. Trước tiên cần thấy rằng thống kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam không phản ánh đúng nguyên tắc mà các nước cần thực hiện theo chuẩn mực Liên hiệp quốc khuyến nghị và được mọi nước trên thế giới chấp nhận.

Vàng trừ khi được sản xuất và dùng làm nguyên liệu trong sản xuất hoặc dùng làm đồ nữ trang thì mới có thể ghi vào tài khoản sản xuất, và có thể được đưa vào kim ngạch nhập hay xuất. Vàng trường hợp này là hàng hóa.

Khi vàng được dùng làm phương tiện thanh toán, gọi là tiền vàng (monetary gold) thì bán hoặc mua qua biên giới không được ghi vào xuất nhập khẩu vì chúng là tiền chứ không phải là hàng hóa, không ai ghi bán đồng đô la Mỹ để mua đồng yen của Nhật, tất nhiên qua biên giới, là xuất nhập khẩu cả.

Nếu chỉnh lại số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới của ba tháng đầu năm thì ta thấy là xuất khẩu không tăng mà giảm 15% (tính theo giá hiện hành bằng đồng đô la). Như vậy ba tháng đầu năm Việt Nam vẫn nhập siêu chứ không xuất siêu. Nhập siêu là 615 triệu đô la. So với nhập siêu ba tháng đầu năm 2008 là 1,5 tỉ đô la thì giảm hơn một nửa.

Tình trạng này hoàn toàn do khủng hoảng kinh tế thế giới gây ra. Nhu cầu của nước ngoài giảm mạnh do đó xuất khẩu giảm mạnh. Thật may mắn là nhập khẩu còn giảm mạnh hơn, nhờ đó tránh được cuộc khủng hoảng tiềm tàng về cán cân thanh toán.

Nhập khẩu giảm mạnh vì nhiều lý do, trong đó có nguồn tiền nước ngoài không đổ vào như cũ, tác động của các biện pháp chống lạm phát và các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu của các tập đoàn nhằm tránh khả năng xảy ra thêm một cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán.

Vài nét tổng quan về xuất nhập khẩu

Số liệu cơ bản của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho năm 2007 (xem bảng) cho thấy là kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới. Xuất khẩu bằng 77% GDP và nhập khẩu bằng 90% GDP.

Xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu và hàng gia công. Do tính chất gia công, nhập khẩu nguyên liệu và máy móc luôn luôn lớn để phục vụ xuất khẩu. Tính gia công, dựa vào nguyên liệu nhập khẩu này cho thấy tác dụng lan rộng của kích thích chi tiêu thiếu trọng điểm đối với nền kinh tế rất thấp.

Hệ số lan rộng theo tác giả tính chỉ khoảng 1,07, tức là nếu kích thêm 1 đồng tiêu dùng, chỉ khoảng 1,07 đồng được tạo ra, thêm được 7%. Tất nhiên đấy là nói chung, nhưng nếu chọn lọc vào những ngành không dựa vào nguyên liệu và máy móc nhập khẩu thì tỷ lệ lan rộng sẽ cao hơn nhiều.

Nếu so với tổng nhập khẩu thì nhập máy móc và hàng tiêu dùng thấp hơn nhiều so với nhập nguyên liệu và vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng nhập để phục vụ sản xuất không có vấn đề.
 

Nhưng nếu so với GDP thì tỷ lệ nhập khẩu hàng tiêu dùng và máy móc lên tới 22% GDP năm 2007, và 34% năm 2008 (theo ước lượng của tác giả), đi gần tới chính tỷ lệ tích lũy trên GDP; một con số rất lớn nếu như ta biết rằng tỷ lệ tích lũy trên GDP của nhiều nước cần cho cất cánh công nghiệp chỉ bằng 25%.

Đây là những tỷ lệ khó giải thích, nếu không muốn nói là nền kinh tế Việt Nam hiện nay hầu như không có khả năng sản xuất bất cứ một loại máy móc gì, nó thuần túy là một công xưởng gia công, lắp ráp, và thậm chí nền kinh tế tự bỏ tiền đầu tư mua máy móc để phục vụ các hợp đồng gia công và lắp ráp này.

Có nhiều dấu hiệu là các máy móc mua vào là máy móc lỗi thời, cần thải từ Trung Quốc. Chính vì thế, thâm hụt cán cân thương mại với nước ngoài luôn luôn lớn đang là mối đe dọa thường trực cho sự ổn định của nền kinh tế.

Thâm hụt đặc biệt lớn với Trung Quốc; năm 2007, nhập từ Trung Quốc 12 tỉ đô la, trong khi chỉ xuất nguyên liệu thô được 3,2 tỉ đô la. Nhập siêu đã lớn từ trước, nhưng đặc biệt lớn trong năm 2008, lên tới 18 tỉ đô la, bằng hơn 20% GDP. Theo chuẩn mực quốc tế thông thường, ngưỡng tỷ lệ nhập siêu vượt 3% là đèn báo hiệu cho sự cần thiết điều chỉnh nền kinh tế.

Kịch bản cơ sở về sản xuất cả năm 2009

Tổng cục Thống kê cho đến nay vẫn chưa công bố chi tiết về tài khoản quốc gia cho năm 2008 nên để làm kịch bản cơ sở, tác giả cũng phải xây dựng kịch bản cho năm 2008 và từ đó xây dựng cho năm 2009. Mô hình sử dụng là mô hình sản xuất vào ra đơn giản, chứ không phải là mô hình dự báo, do đó dựa vào một số giả thiết, nếu giả thiết thay đổi thì kết quả cũng thay đổi.

Tình trạng kinh tế thế giới đang tồi tệ đi. Quí 4-2008, GDP của Mỹ giảm 6%. Quí 1-2009, GDP của Nhật giảm 12%, Đài Loan giảm 8,4%, Trung Quốc chỉ tăng 6,8% so với 13% năm 2008. Ngân hàng Thế giới dự báo là năm 2009 sản xuất công nghiệp toàn cầu sẽ giảm 15% và lần đầu tiên trong 80 năm, xuất nhập khẩu sẽ giảm. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo rất xấu tương tự.

Theo TCTK, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,1% vào ba tháng đầu năm. Tình trạng này sẽ xấu hơn vì quí 1 có thể vẫn còn những đơn đặt hàng của thời mà kinh tế thế giới chưa quá tồi tệ, những quí sắp tới sẽ phản ánh rõ hơn các tác dụng tiêu cực của kinh tế thế giới.

Xuất khẩu có thể giảm mạnh hơn chứ không chỉ ở mức 15% (theo giá hiện hành) của ba tháng đầu năm, nếu không có biện pháp kích thích xuất khẩu như chủ động giảm giá đồng Việt Nam, kêu gọi các nhà sản xuất chủ động giảm giá, kể cả không có lời, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, để làm hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới và khuyến khích tiêu dùng trong nước.

Có thể nói gói kích cầu 17.000 tỉ đồng bằng bù lãi suất của Chính phủ chưa thể có tác dụng gì đến sản xuất và GDP trong quí 1 này. Nhưng dù có triển khai thì kích cầu bằng bù lãi suất sẽ không đạt hiệu quả vì vài lý do sau:
 

(1) đây là biện pháp kích cung chứ không phải là kích cầu, cầu không có thì biện pháp này chỉ làm tăng thêm lợi nhuận cho công ty vì được trả lãi suất thấp;
 

(2) việc dùng tiền cho vay đảo nợ là chuyện đương nhiên và không thể kiểm soát được, dù Chính phủ muốn, vì người vay dễ dàng mượn ở một ngân hàng và đảo nợ ở một ngân hàng khác;
 

(3) nếu tiếp tục và chuyển thành kích tích lũy, đặc biệt là mở rộng cho việc nhập máy móc nước ngoài, thì sẽ tăng thêm thiếu hụt cán cân thanh toán, phí phạm và kích tham nhũng nhưng không lấp nổi khoảng trống do xuất khẩu giảm gây ra, có thể ít nhất lên tới 5,6 tỉ đô la trong năm 2009.

Trên cơ sở kết quả sản xuất ba tháng đầu năm, nếu cho rằng xuất khẩu cả năm giảm 10% (tính theo giá của năm 2007, tương đương với 15% theo giá hiện hành) và nhập khẩu giảm 15%, trong đó nhập cho tiêu dùng và tích lũy giảm 50%, tích lũy giảm 5%, còn tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và chính phủ không tăng thì GDP sẽ tăng 3,4% năm 2009, và cán cân thương mại thiếu hụt khoảng 12 tỉ đô la.

Ta thấy mọi yếu tố đều giảm thì tại sao GDP lại có thể tăng (xem cột cuối của bảng)? Tăng sản xuất và GDP trong trường hợp này chính là do chuyển tiêu dùng cuối cùng, và tích lũy từ hàng nhập sang hàng sản xuất trong nước.
 

Mô hình này cho thấy chỉ cần giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu dùng trong sản xuất 5% thôi thì cùng với kịch bản ở bảng, GDP có thể tăng 7,7% thay vì 3,4%.

Trung Quốc là một nền kinh tế công xưởng, vì họ sản xuất ra hầu hết các nguyên liệu dùng trong sản xuất, còn Việt Nam là một nền kinh tế gia công, do một tỷ lệ lớn nguyên liệu (đến gần 40%) dựa vào nhập khẩu.
 

Điều này nói lên sự cần thiết ở Việt Nam đối với một chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ mà nhiều nhà kinh tế đã nói tới. Và năm 2009, nếu không có biện pháp thích hợp thì với việc thả lỏng cho nhập khẩu kể cả cho tích lũy và tiêu dùng như năm 2008, GDP chắc chắn tăng với số âm lớn.

Kết quả của mô hình cho thấy là nếu tình hình cứ như ba tháng đầu năm thì GDP cả năm khó tăng hơn 3,4% và có nguy cơ âm nếu xuất khẩu xấu đi.

Nếu dùng chính sách phát huy nhập khẩu theo nghĩa thay đổi máy móc đã cũ trong lúc này thì tình hình có thể xấu hơn, vì cán cân thương mại sẽ âm lớn hơn. Thay đổi máy móc là quyết định của thị trường chứ không nên là quyết định bơm tiền cho doanh nghiệp nhà nước làm chuyện này.

Cho nên biện pháp kích cầu hữu hiệu đối với nền kinh tế có những đặc thù riêng của Việt Nam phải là kích cầu tiêu thụ của thành phần mà sản xuất không dựa vào nhập khẩu nguyên liệu và người tiêu thụ nghèo không chạy mua hàng hóa cao cấp nhập khẩu: đó chính là nông dân và công chức nhà nước.

Chính sách kích cầu và các nguyên tắc kinh tế học

Chính sách kích cầu, dù kiểu gì, cũng chỉ là biện pháp nhằm giảm thiểu các khó khăn nhất thời để chờ nền kinh tế trở về quân bình. Khi nền kinh tế mang tính khủng hoảng cấu trúc như ở Việt Nam thì các biện pháp dùng tiền nhà nước để kích trở thành nguy hiểm.

Hiện nay dùng tiền nhà nước nghĩa là gì? Phải chăng là từ ngân sách vì đây là điều mà tất cả mọi người có hiểu biết về kinh tế đều nghĩ thế? Ở Việt Nam thì không thế.
 

Hôm 20-3-2009 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về gói kích cầu 1 tỉ đô la, trong đó có nói tiền kích cầu lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia, do hoạt động ngân hàng mà có, không thuộc ngân sách nhà nước. Đây là chuyện hiểu lạ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không làm kinh doanh mà chỉ có mục đích điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là bảo vệ giá trị tiền đồng Việt Nam.
 

Tiền đồng mà NHNN in để mua vào tiền nước ngoài, chính là hình thức tăng khối lượng tiền mặt nội địa và rút đi ngoại tệ, khối lượng tiền dùng trong lưu thông không tăng vì khối lượng tiền phải được hiểu là gồm nội tệ, ngoại tệ và vàng dùng trong lưu thông nằm ngoài NHNN.

Bây giờ Nhà nước muốn có tiền tiêu, lấy dự trữ ngoại hối, có nghĩa là in khống, tăng khối lượng tiền để tiêu. Đáng lẽ ngân sách muốn bù lãi suất thì phải bán trái phiếu chính phủ ra thị trường chứ không thể dùng dự trữ ngoại hối như thế.
 

Đây rõ ràng là biện pháp in khống tiền để chi, và lại nằm ngoài ngân sách. Và thật ra việc in khống này vẫn không liên quan gì đến quỹ dự trữ ngoại hối, trừ khi Bộ Tài chính ra lệnh cho NHNN đưa ngoại tệ từ quỹ dự trữ cho mình tiêu.

Hiện nay việc bù lãi suất 1 tỉ đô la (17.000 tỉ đồng) theo cách in tiền như vừa qua chưa ảnh hưởng tới lạm phát cũng là cái may vì số tiền này chưa tạo ra tín dụng mới mà chủ yếu là đảo nợ. Với một tỉ bỏ ra bù lãi suất, thì số tín dụng mới có thể tạo ra là 25 tỉ đô la, tức là tăng thêm 25% so với tổng tín dụng năm 2008 là 97 tỉ đô la (1.687 ngàn tỉ đồng).

Nếu chỉ nói đến 2 tỉ đô la (chứ chưa nói đến 6 tỉ đô la mà chính phủ đã nói nhưng chưa làm), thì mức tăng tín dụng sẽ là 50% so với năm 2008, đây cũng là tỷ lệ tăng của năm 2008 và là nguyên nhân của lạm phát nhảy vọt.

Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ vừa có lạm phát cao vừa suy thoái, mà ta có thể cần một từ mới, có thể là “lạm suy” cho ngôn ngữ tiếng Việt. Cho nên dù chính sách kiểu gì, thì NHNN vẫn phải bảo đảm tổng tín dụng không tăng hơn 20-25%, và nếu như lạm phát bắt đầu tăng mạnh thì suất tăng tín dụng phải thấp hơn, và phải bảo đảm có sự độc lập nhất định giữa Ngân hàng Trung ương và ngân sách.

Vũ Quang Việt _ TBKTSG  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.