|
|
Chỉ có 16 công nhân làm việc ở khâu phân loại rác và gạch block thành phẩm làm từ rác (ảnh dưới) - Ảnh: QUANG TÁM |
Nhà máy này có đến 90% rác được tái chế, 10% rác còn lại sắp tới sẽ được nhà máy tận dụng sản xuất đại trà gạch block. Đó là Nhà máy xử lý rác Thủy Phương thuộc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, đóng tại xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy với công suất 200 tấn rác/ngày. Đây là nhà máy được thiết kế theo công nghệ AnSinh - ACS do ông Trần Đình Quyền sáng chế.
Nhiều ưu điểm
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4-2007, đến nay đã xử lý 90.000 tấn rác sinh hoạt của TP Huế và huyện Hương Thủy. Tại khâu phân loại rác có 16 người đảm nhận so với 80 người của các dây chuyền nước ngoài. Công việc tách lọc rác thành ba loại khác nhau gồm rác dùng để đốt, nhựa plastic và chất hữu cơ làm phân vi sinh chủ yếu do máy móc đảm nhận.
Thêm ba nhà máy mới
Ông Nguyễn Huy Chương cho biết hiện có thêm ba nhà máy đang xây dựng theo công nghệ này gồm tại huyện Củ Chi (TP.HCM) với 2.000 tấn/ngày, Long An 200 tấn/ngày và Kiên Giang 400 tấn/ngày.
|
Theo phân tích của ông Nguyễn Huy Chương - giám đốc nhà máy, các nhà máy xử lý rác của nước ngoài không phù hợp trong xử lý rác thải ở VN do được thiết kế để xử lý các loại rác đã được phân loại ngay từ đầu, nhà máy chỉ tiếp nhận và tái chế. Còn tại Nhà máy Thủy Phương, hỗn hợp rác bước đầu được xé nhỏ, sau đó hệ thống gió ngang và gió dọc làm tơi ra và phân thành ba loại rác khác nhau.
“Công nghệ AnSinh - ACS sử dụng luồng gió ngang và dọc thay cho dùng nước trong phân loại rác sẽ không mất thời gian và chi phí cho việc làm khô rác trước khi tái chế. Như vậy giá thành các loại sản phẩm được sản xuất rẻ hơn”, ông Chương nói. Nhà máy Thủy Phương còn tận dụng các loại rác hữu cơ như phụ phẩm rau, thức ăn... để ủ lên men trong 52 ngày làm phân hữu cơ. Đối với các loại rác plastic như bao nilông, nhựa... được sản xuất ống nước, các hệ thống giao thông, ván côppha dùng trong xây dựng... Đối với 10% rác thải còn lại sẽ được đốt để tận thu lượng nhiệt nhằm tái sử dụng trong việc phân hủy chất plastic và sấy hệ thống nhà máy, chất cặn bã của loại rác này được chôn lấp với số lượng không đáng kể.
“Trung bình 1 tấn rác sẽ sản xuất được 2,5 tạ phân vi sinh có giá 1 triệu đồng/tấn cho các vùng lân cận và Tây nguyên để người dân bón cho lúa, hoa màu, cây công nghiệp. Còn các sản phẩm nhựa plastic bán với giá 6 triệu đồng/tấn” - ông Chương cho biết thêm.
Sản xuất gạch... từ rác
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương là kết quả hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với Công ty Tâm Sinh Nghĩa (TP.HCM) và được Chính phủ chọn làm nơi thí điểm “Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận cho các địa phương” để nhân rộng ra cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, công nghệ AnSinh - ACS tại Nhà máy Thủy Phương có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, bảo trì, rất phù hợp với các địa phương vì sử dụng công nghệ và thiết bị đơn giản truyền thống trong nước, rất hiệu quả trong tách lọc rác ban đầu. Còn so với các nhà máy xử lý rác theo công nghệ nước ngoài thì công nghệ này đã giảm thiểu tối đa lượng rác thải chôn lấp, tăng lượng rác thải được tái chế.
“10% rác còn lại để chôn lấp đã được nhà máy ứng dụng sản xuất gạch block thử dùng để xây dựng các công trình như tường rào, lát vỉa hè, kè chắn sóng”, ông Chương cho biết. Trong 10% rác đó bao gồm các loại như cát, đất, đá... được sàng lọc kỹ, sẽ thay thế 30%, 50% và 100% cát để trộn với ximăng, đá dăm trong sản xuất gạch block. Trung bình 200 tấn rác nhà máy sản xuất được 4.000 viên gạch bán với giá 1.400 đồng/viên (so với 1.700 đồng/viên của gạch block thông thường).