Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Tư vấn phát triển công nghiệp gang thép Việt Nam" do Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổ chức ngày 7/4.
Theo thống kê của Vụ Công nghiệp nặng- Bộ Công Thương, số lượng các dự án thép đầu tư trong quy hoạch, giai đoạn 2007-2015 là 23 dự án, trong đó có 5 dự án trọng điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng các dự án không có trong danh mục quy hoạch được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 32 dự án.
Trong số đó có 3 dự án Nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công Thương có ý kiến thỏa thuận. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu thống nhất trong văn bản pháp luật liên quan, cụ thể là sự "vênh nhau" giữa Luật Đầu tư và Luật xây dựng.
Theo Luật Đầu tư và Nghị định 108 thì việc đầu tư này không vi phạm luật, nhưng theo Luật Xây dựng thì đối với các dự án không có trong danh mục Quy hoạch được duyệt và có mức vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng thì trước khi lập đề án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch và phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Bùi Quang Chuyện, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, ngành thép đang phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững. Điều này do ngành thép vẫn phát triển phụ thuộc vào nguồn liệu nhập khẩu nên sản xuất bị động và chịu thiệt thòi trước biến động của tình hình giá cả thế giới. Mặt khác, việc ồ ạt đầu tư vào các dự án thép đã khiến tổng công suất thiết kế của các dự án vượt xa dự kiến trong quy hoạch.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng, việc xây dựng quá nhiều dự án thép ở hầu hết các địa phương sẽ làm mất cân đối đã tính toán trong quy hoạch như: cân đối năng lượng. vận tải, môi trường...
Cũng theo ông Cường, hiện đang tồn tại 3 bất cập lớn trong việc cấp phép cho các dự án liên hợp luyện kim tại nhiều địa phương: Không theo quy hoạch Thủ tướng đã duyệt; Chọn đối tác không chuẩn vì không có điều kiện thu thập thông tin; Không đủ kiến thức về công nghệ nên không tính toán đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Công thương, hầu hết các dự án thép lớn đang triển khai bị chậm tiến độ 2- 3 năm, thậm chí nhiều dự án đã phải thu hồi giấy phép do được cấp phép nhiều năm không triển khai. Có những dự án lớn kéo dài 5- 7 năm, không có ràng buộc chặt chẽ với đối tác nên thời gian thực hiện bị kéo rất dài, chiếm dụng quỹ đất.